Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm vẫn còn được sử dụng?
Mục đích của Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm là gì?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 82/2003/TT-BTC (đã hết hiệu lực từ ngày 10/12/2012) quy định về mục đích của Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp như sau:
4. Quản lý và sử dụng Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm:
a. Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp dùng để chi trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về việc làm.
b. Nếu Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm hàng năm không chi hết được chuyển số dư sang năm sau.
c. Trường hợp Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm không đủ để chi trợ cấp cho người lao động thôi việc, mất việc làm trong năm tài chính thì toàn bộ phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ.
d. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích và báo cáo việc sử dụng quỹ tại phần Thuyết minh Báo cáo tài chính hàng năm bao gồm các chỉ tiêu: tổng số chi trợ cấp, số người được trợ cấp và số trích quỹ dự phòng trong năm.
Như vậy, mục đích chính của việc lập Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm để chi trợ cấp thôi việc, mất việc làm của doanh nghiệp.
Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm vẫn còn được sử dụng?
Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm vẫn còn được sử dụng?
Như đề cập ở trên, tại thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Lao động 1994 việc lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm là để chi trợ cấp thôi việc, mất việc làm của doanh nghiệp.
Tại Công văn 3950/VPCP-KTTH năm 2011 về Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm do Văn phòng Chính phủ ban hành như sau:
1. Đồng ý đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về định hướng bãi bỏ Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm để thống nhất chế độ chi trả các loại trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc và trợ cấp thất nghiệp. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trong Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; trên cơ sở đó, hướng dẫn xử lý Quỹ này tại doanh nghiệp, có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
2. Trong khi chưa sửa đổi các Luật nói trên, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn việc trích lập và bảo toàn Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm theo hướng quy định mức tối đa của Quỹ tại doanh nghiệp, bảo đảm dự phòng chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp khi thay đổi cơ cấu, công nghệ và trợ cấp thôi việc theo quy định hiện hành.
Như vậy, cho đến nay thì vẫn chưa có một văn bản nào của cấp có thẩm quyền chính thức bãi bỏ về Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp.
Dù hiện nay ở Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 2019 thì Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm hầu như không còn được sử dụng nhưng vẫn có hướng dẫn về việc xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm và số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp.
Xử lý khoản trích lập Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm hiện nay ra sao?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 180/2012/TT-BT quy định như sau:
Xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm và số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp
1. Khi phát sinh chi trợ cấp mất việc làm doanh nghiệp được hạch toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Thông tư này vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.
Riêng năm 2012, doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/8/2003 của Bộ Tài chính đến 31/12/2011 (nếu có) để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Nếu số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm không đủ hoặc doanh nghiệp không có số dư Quỹ để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì toàn bộ phần chi còn thiếu doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012 của doanh nghiệp, doanh nghiệp không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng.
2. Trường hợp trong năm doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, số lượng lao động mất việc làm phát sinh lớn, nếu hạch toán đủ vào chi phí số tiền đã chi trợ cấp mất việc làm (trừ số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã sử dụng để chi nếu có) cho người lao động của doanh nghiệp mà phát sinh lỗ, thì doanh nghiệp được hạch toán phân bổ số tiền đã chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động vào chi phí quản lý doanh nghiệp các năm sau, thời gian phân bổ tối đa là 3 năm.
Như vậy, trong năm tài chính 2012, doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Nếu số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm không đủ hoặc doanh nghiệp không có số dư Quỹ để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì toàn bộ phần chi còn thiếu doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Trường hợp khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012 của doanh nghiệp, doanh nghiệp không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng.