Phụ cấp lương của người lao động bao gồm những khoản nào?

Cho tôi hỏi các khoản nào được xem là phụ cấp lương của người lao động? Có được cắt giảm tiền phụ cấp của người lao động vi phạm kỷ luật không? Câu hỏi cua anh Bảo ( Phú Thọ)

Các khoản nào được xem là phụ cấp lương của người lao động?

Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có quy định:

Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
b) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:
b1) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
b2) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
c) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
c2) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
d) Hình thức trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động;
đ) Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.

Theo đó thì các khoản phụ cấp do người lao động và người sử dụng lao động cùng thỏa thuận theo hợp đồng gồm:

- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Các khoản nào được xem là phụ cấp lương của người lao động?

Các khoản nào được xem là phụ cấp lương của người lao động? (Hình từ Internet)

Có được cắt giảm tiền phụ cấp của người lao động vi phạm kỷ luật không?

Tùy thuộc tính chất mỗi công việc, vị trí, chức danh của người lao động mà mỗi doanh nghiệp quy định nhiều loại phụ cấp khác nhau. Tuy nhiên, khi xảy ra vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật, thì doanh nghiệp vẫn không được phép cắt giảm các khoản tiền phụ cấp này.

Thứ nhất, theo Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động bị xử lý kỷ luật nhưng không gây hư hỏng, mất mát dụng cụ, thiết bị, tài sản, tiêu hao vật tư của doanh nghiệp quá định mức cho phép hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đối với tài sản của doanh nghiệp thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Thứ hai, theo Điều 90 Bộ Luật Lao Động 2019 và điểm b khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì phụ cấp lương cũng là một phần của tiền lương.

Tiền lương là khoản mà hai bên đã thỏa thuận với nhau trước khi ký kết hợp đồng lao động căn cứ theo năng suất lao động, chất lượng công việc và được ghi nhận trong hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 nên khi đến thời hạn thanh toán người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền lương cho người lao động.

Pháp luật lao động của Việt Nam không quy định bất kỳ hình thức xử lý kỷ luật nào cho phép cắt giảm lương của người lao động. Trong trường hợp có sự thay đổi nội dung, điều khoản về tiền lương thì phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo Điều 33 Bộ luật lao động 2019.

Vì vậy, nếu công ty không thỏa thuận với người lao động về việc điều chỉnh, sửa đổi điều khoản về tiền lương trong hợp đồng mà tự ý cắt giảm tiền lương là trái với quy định pháp luật.

Mặt khác, chỉ khi nào người lao động có hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của công ty do sơ suất, với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 129 Bộ luật Lao động 2019.

Cần lưu ý, bản chất của khấu trừ ở đây vẫn là bồi thường do gây thiệt hại về tài sản, chứ không phải cắt giảm lương của người lao động.

Phụ cấp lương có đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 có quy định:

Thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
...

Như vậy, chỉ có phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật thì không đóng thuế thu nhập cá nhân, còn các khoản phụ cấp lương khác phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào