NLĐ có được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nghỉ thai sản hay không?
Thời gian nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào?
Tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
...
Theo đó, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Thực tế chu kỳ mang thai của phụ nữ thường kéo dài khoảng 09 tháng 10 ngày. Do đó, mốc thời gian 02 tháng trước sinh con sẽ rơi vào thời điểm thai được khoảng 07 tháng 10 ngày.
Như vậy, có thể xác định thời điểm nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu vào khoảng thời gian lao động nữ mang thai được 07 tháng 10 ngày.
Dựa vào ngày dự sinh, lao động nữ hoàn toàn có thể dễ dàng tính toán được thời điểm thai hơn 07 tháng để xin nghỉ thai sản trước sinh mà vẫn hưởng trọn chế độ thai sản.
NLĐ có được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nghỉ thai sản hay không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được kéo dài thời gian nghỉ thai sản hay không?
Trường hợp đã nghỉ hết thời gian nghỉ chế độ thai sản mà lao động nữ vẫn muốn nghỉ thêm thì có thể thực hiện kéo dài thời gian nghỉ thai sản theo một trong hai cách sau đây:
Cách 1: Xin nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản
Tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
...
Như vậy, trường hợp lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Với mỗi ngày nghỉ, người lao động sẽ được cơ quan BHXH thanh toán 30% mức lương cơ sở.
Cách 2: Thỏa thuận với doanh nghiệp về việc nghỉ làm không lương
Tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ thai sản
...
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Theo quy định này, người lao động có nhu cầu nghỉ thêm thì hoàn toàn có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ làm không hưởng lương. Để có thể nghỉ thêm trong trường hợp này, người lao động bắt buộc phải có được sự đồng ý từ người sử dụng lao động.
Ưu điểm của cách này là người lao động có thể nghỉ làm trong thời gian dài nhưng nhược điểm là không được trả lương, không có thu nhập trong thời gian nghỉ.
Tóm lại: Lao động nữ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản 06 tháng và hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định của pháp luật nếu lao động nữ muốn tiếp tục nghỉ thêm không hưởng lương thì thỏa thuận với doanh nghiệp về nghỉ không hưởng lương. Trường hợp không thỏa thuận được thì sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động phải đi làm trở lại.
NLĐ có được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nghỉ thai sản hay không?
Tại khoản 6 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy đình như sau:
Quản lý đối tượng
...
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
...
Như vậy, người lao động được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế đến cho đến khi hết hạn hợp đồng lao động. Còn sau khi hết hạn hợp đồng mà không ký hợp đồng mới, người lao động chỉ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế đến hết tháng mà người sử dụng lao động báo giảm lao động.