Những chính sách dành cho người học nghề hiện nay?
Người học nghề là gì?
Người học nghề là người đang học các chương trình giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
- Sinh viên của chương trình đào tạo cao đẳng;
- Học sinh của chương trình đào tạo trung cấp và chương trình đào tạo sơ cấp;
- Học viên của chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
(Theo Điều 59 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014)
Những chính sách dành cho người học nghề hiện nay? (Hình từ Internet)
Những chính sách dành cho người học nghề hiện nay?
Người học nghề được hưởng các chính sách như sau:
(1) Người học được hưởng chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên quy định tại Điều 89, 90, 91 và 92 Luật Giáo dục 2019.
(2) Người học được Nhà nước miễn học phí trong các trường hợp sau đây:
- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;
- Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;
- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định;
Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
(3) Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
(4) Học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập.
(5) Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật;
Người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật mà có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo;
Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
(6) Trong quá trình học tập nếu người học đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khỏe hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học tập hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học tập và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học.
Thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 05 năm.
(7) Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả các mô-đun, tín chỉ, môn học người học đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác.
(8) Người học sau khi tốt nghiệp được hưởng các chính sách sau đây:
- Được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định; ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên;
- Được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của pháp luật.
(Theo Điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014)
Người học nghề có những nhiệm vụ và quyền gì?
Nhiệm vụ và quyền của người học nghề gồm:
- Học tập, rèn luyện theo quy định của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Tôn trọng nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện.
- Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
- Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện.
- Được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
- Được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng ưu tiên và chính sách xã hội.
- Các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.
(Theo Điều 60 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014)