Người trực tiếp làm các công việc bức xạ cần bảo đảm những trách nhiệm nào?
Những công việc nào được xem là công việc bức xạ?
Căn cứ Điều 18 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 quy định như sau:
Công việc bức xạ
Công việc bức xạ bao gồm các hoạt động sau đây:
1. Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân;
2. Vận hành thiết bị chiếu xạ gồm máy gia tốc; thiết bị xạ trị; thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu và sử dụng các thiết bị bức xạ khác;
3. Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
4. Lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ;
5. Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ;
6. Làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân;
7. Xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
8. Xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động của cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân;
9. Sử dụng vật liệu hạt nhân ngoài chu trình nhiên liệu hạt nhân;
10. Nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;
11. Đóng gói, vận chuyển vật liệu phóng xạ;
12. Vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;
13. Vận hành tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân;
14. Hoạt động khác tạo ra chất thải phóng xạ.
Như vậy, hiện nay nhà nước ta quy định 14 công việc được xem là công việc bức xạ theo quy định như trên.
Người trực tiếp làm các công việc bức xạ cần bảo đảm những trách nhiệm nào? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của nhân viên trực tiếp làm các công việc bức xạ là gì?
Căn cứ Điều 27 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 quy định như sau:
Trách nhiệm của nhân viên bức xạ
1. Nhân viên bức xạ là người làm việc trực tiếp với bức xạ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:
a) Thực hiện quy định của pháp luật và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, hướng dẫn về an toàn phù hợp với mỗi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
b) Sử dụng phương tiện theo dõi liều chiếu xạ và phương tiện bảo vệ khi tiến hành công việc bức xạ, khám sức khỏe định kỳ theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn; từ chối làm việc khi điều kiện bảo đảm an toàn không đầy đủ, trừ trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
c) Báo cáo ngay cho người phụ trách an toàn hiện tượng bất thường về an toàn, an ninh trong việc tiến hành công việc bức xạ;
d) Thực hiện biện pháp khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn.
2. Người phụ trách an toàn là nhân viên bức xạ có chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:
a) Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ thực hiện quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 26 của Luật này;
b) Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xây dựng và tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để tuân thủ các điều kiện về an toàn, an ninh;
c) Thường xuyên liên lạc với các cá nhân, bộ phận lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân trong phạm vi trách nhiệm của mình; thực hiện tư vấn và hướng dẫn về bảo đảm an toàn; thường xuyên kiểm tra tình trạng an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
d) Báo cáo người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về an toàn, an ninh, khi có sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
đ) Lập và lưu giữ hồ sơ liên quan đến an toàn, an ninh.
Như vậy, nhân viên bức xạ làm việc trực tiếp với bức xạ có trách nhiệm như sau:
- Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
- Sử dụng phương tiện theo dõi liều chiếu xạ và phương tiện bảo vệ và khám sức khỏe định kỳ;
- Từ chối làm việc khi điều kiện bảo đảm an toàn không đầy đủ, trừ trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
- Báo cáo hiện tượng bất thường về an toàn, an ninh trong việc tiến hành công việc bức xạ;
- Thực hiện biện pháp khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn.
Điều kiện để được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ là gì?
Căn cứ Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 quy định như sau:
Chứng chỉ nhân viên bức xạ
1. Người đảm nhiệm một trong các công việc sau đây phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ:
a) Kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân;
b) Trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân;
c) Người phụ trách an toàn;
d) Người phụ trách tẩy xạ;
đ) Người phụ trách ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
e) Người quản lý nhiên liệu hạt nhân;
g) Nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân;
h) Nhân viên vận hành máy gia tốc;
i) Nhân viên vận hành thiết bị chiếu xạ sử dụng nguồn phóng xạ;
k) Nhân viên sản xuất đồng vị phóng xạ;
l) Nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.
2. Người có đủ điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
b) Có trình độ chuyên môn và kiến thức về an toàn phù hợp.
3. Người được cấp chứng chỉ quy định tại khoản 1 Điều này phải thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan.
Như vậy, để được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cần đáp ứng điều kiện sau:
- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Có trình độ chuyên môn và kiến thức về an toàn phù hợp.
Lưu ý: người được cấp chứng chỉ phải thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan đến công việc.