Người sử dụng lao động làm giả hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?
- Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm các khoản hỗ trợ, chi phí nào?
- Hành vi làm giả tài liệu đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật?
- Người sử dụng lao động làm giả hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm các khoản hỗ trợ, chi phí nào?
Căn cứ Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định: Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là bảo hiểm xã hội bắt buộc và được sử dụng để chi trả các khoản sau:
- Phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng
- Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
- Chi phí dưỡng sức và phục hồi sức khỏe
- Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc
- Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Chi phí đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng
Hành vi làm giả tài liệu đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật?
Theo khoản 2 Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
2. Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
...
Như vậy, hành vi giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được xem là hành vi trái pháp luật.
Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc bị xử phạt hành chính vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Người sử dụng lao động làm giả hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì bị phạt như thế nào? (hình từ Tnternet)
Người sử dụng lao động làm giả hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, căn cứ theo điểm b khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
...
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.
Như vậy, người lao động có hành vi làm giả hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu chiếm đoạt với số tiền dưới 10.000.000 đồng thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội
Và phải nộp lại khoản tiền chưa đóng cùng với khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền đã chiếm đoat.
Bên cạnh đó, nếu người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp để chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng và không thuộc các trường hợp quy định tại một trong các Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 thì người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Và bị cấm hành nghề từ 03 năm đến 05 năm đối với một số nghề theo quy định và bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
* Lưu ý rằng: Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).