Người nước ngoài có phải đóng thuế TNCN từ tiền lương, tiền công không?
Thu nhập từ tiền lương, tiền công có phải khoản thu nhập chịu thuế TNCN không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định như sau:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ
...
Theo đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.
Người nước ngoài có phải đóng thuế TNCN từ tiền lương, tiền công không? (Hình từ Internet)
Người nước ngoài có phải đóng thuế TNCN từ tiền lương, tiền công không?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định như sau:
Đối tượng nộp thuế
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo quy định thì người nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam; và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Người nước ngoài phải đóng thuế TNCN từ tiền lương, tiền công nếu:
- Là cá nhân cư trú:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
- Là cá nhân không cư trú: có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Công khai thông tin nộp thuế TNCN của NLĐ khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì cơ quan quản lý thuế có thể công khai thông tin của người nộp thuế, cụ thể bao gồm:
- Có hành vi trốn thuế hoặc tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế hay vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở chính; phát hành hoặc sử dụng bất hợp pháp hoá đơn.
- Không nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày, tính từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định pháp luật.
- Ngừng hoạt động hoặc chưa hoàn thành thủ tục để chấm dứt hiệu lực của mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, gây ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ thuế đối với tổ chức và cá nhân khác.
- Không thực hiện đúng các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, cụ thể như: Từ chối không cung cấp thông tin và tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành theo quyết định về việc thanh tra, kiểm tra và các yêu cầu khác của cơ quan thuế theo quy định pháp luật.
- Có hành vi chống, cản trở công chức thuế/công chức hải quan thi hành công vụ.
Lưu ý: Hình thức công khai gồm:
- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế các cấp;
- Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;
- Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan quản lý thuế các cấp theo quy định của pháp luật;
- Các hình thức công khai khác theo các quy định có liên quan.