Người lao động qua đời khi không có người thân, ai hưởng chế độ tử tuất?
Chế độ tử tuất là gì?
Chế độ tử tuất là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội nhằm bù đắp phần thu nhập của người lao động dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của họ hoặc các chi phí khác phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội bị chết.
Theo đó, người thân của người tham gia đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng các quyền lợi của chế độ tử tuất bao gồm các khoản trợ cấp căn cứ theo Mục 5 Chương III Luật Bảo hiểm Xã hội 2014:
- Trợ cấp mai táng (mai táng phí)
- Trợ cấp hàng tháng
- Trợ cấp tuất một lần.
Người lao động qua đời khi không có người thân, ai hưởng chế độ tử tuất? (Hình từ Internet)
Đối với trợ cấp mai táng của người lao động, ai sẽ được hưởng?
Theo khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định rõ về đối tượng được trợ cấp mai táng khi người lao động chết như sau:
Trợ cấp mai táng
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
Theo quy định trên, nếu người lao động chết mà không có hoặc không còn người thân thì người đứng ra lo mang táng cho người lao động đó sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán trợ cấp mai táng.
Căn cứ khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp mai táng hiện được tính như sau:
Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở
Lưu ý: Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính trợ cấp mai táng được xác định là mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động đó chết.
Đối với trợ cấp tuất của người lao động, ai sẽ được hưởng?
Căn cứ Điều 67 và Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động chết thì tùy vào từng điều kiện cụ thể mà thân nhân của người đó có thể được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.
Tuy nhiên, nếu người lao động tử vong mà không có hoặc không còn người thân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng hoặc thành viên khác trong gia đình mà người lao động đó đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng thì trợ cấp tuất sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần
Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:
…
4. Trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Như vậy, nếu người lao động không có người thân không may qua đời, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán trợ cấp tuất một lần cho những người thừa kế theo pháp luật của người lao động đó.
Nói cách khác, số tiền trợ cấp tuất một lần sẽ được chia đều cho những người kế theo pháp luật của người lao động đã mất.
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo đó, nếu người lao động không có vợ, con; bố, mẹ mà đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng trực tiếp thì tiền trợ cấp tuất một lần khi người đó tử vong sẽ được thanh toán cho ông, bà nội; ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột; cháu nội, cháu ngoại của người lao động đã chết.
Nếu đến những người thân như trên cũng không có thì số tiền trợ cấp tuất một lần sẽ được đem chia cho cụ nội, ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người lao động đã chết; cháu ruột gọi người lao động đã chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột gọi mà người lao động đã chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, số tiền trợ cấp tuất 1 lần được tính như sau:
* Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chết:
Mức trợ cấp tuất 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Số năm đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Số năm đóng BHXH từ 2014)
* Người lao động đang hưởng lương hưu chết:
Mức trợ cấp tuất 1 lần = (48 x Lương hưu) - (0,5 x (Số tháng đã hưởng lương hưu - 2) x Lương hưu)