Ngừng đóng bảo hiểm xã hội tạm thời có bị mất những tháng trước đó hay không?
Ngừng đóng bảo hiểm xã hội tạm thời có bị mất những tháng trước đó hay không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ khi bắt đầu đóng cho đến khi ngừng đóng bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng vẫn sẽ được tính vào tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, với trường hợp người lao động nghỉ việc, ngừng đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc không nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Nhà nước đưa ra quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ tự động được bảo lưu khi ngừng đóng bảo hiểm xã hội mà không cần phải làm bất kỳ thủ tục nào.
Vì thế, người lao động có thể hoàn toàn yên tâm đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ để được hưởng những chế độ và quyền lợi theo quy định mà không lo số tháng đã đóng trước đó sẽ bị mất khi ngừng đóng bảo hiểm xã hội tạm thời.
Ngừng đóng bảo hiểm xã hội tạm thời có bị mất những tháng trước đó hay không? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào phải thực hiện xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Tại khoản 6 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội
...
6. Hằng năm, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
7. Hằng năm, cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để người sử dụng lao động niêm yết công khai.
8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
9. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quyết định của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
11. Thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
12. Tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
13. Định kỳ 06 tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và hằng năm, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo Bộ Y tế về tình hình thực hiện bảo hiểm y tế; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong phạm vi địa phương quản lý.
...
Theo đó, hằng năm cơ quan bảo hiểm xã hội phải xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bao gồm những khoản nào?
Tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
...
Trong đó, các khoản phụ cấp lương tính đóng bảo hiểm xã hội đã được liệt kê cụ thể tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH ; còn các khoản bổ sung khác được quy định tại điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không chỉ bao gồm lương mà còn gồm phụ cấp và các khoản bổ sung khác, cụ thể:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh.
- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.