Ngăn chặn bệnh bạch hầu Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu ra sao? Doanh nghiệp có phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không?
Bệch bạch hầu là gì?
Ngày 13/07/2024 ban hành Công điện 68/CĐ-TTg năm 2024 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu do Thủ tướng Chính phủ điện.
Theo Công điện 68/CĐ-TTg năm 2024 thì bệnh Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được phòng bằng vắc xin, điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có trường hợp tử vong.
Ngăn chặn bệnh bạch hầu Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu ra sao? (Hình từ Internet)
Để ngăn chặn bệnh bạch hầu Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu ra sao?
Theo Công điện 68/CĐ-TTg năm 2024 để nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các yêu cầu sau đây:
- Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người bệnh;
Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
- Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; tổ chức theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
+ Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời;
+Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp;
+ Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch và điều trị kịp thời; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân;
+ Bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 04 tại chỗ;
+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; thông tin đầy đủ, trung thực về tình hình dịch bệnh.
- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện 68/CĐ-TTg năm 2024.
- Ngoài ra Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương trong việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Doanh nghiệp có phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không?
Theo Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
…
Theo đó, hằng năm danh nghiệp sẽ tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động.
Đặc biệt đối với những trường hợp dưới đây thì doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên ít nhất 06 tháng một lần:
- Người lao động làm những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Người lao động làm những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Người lao động là người khuyết tật;
- Người lao động chưa thành niên;
- Người lao động cao tuổi.
Ngoài ra khi khám sức khỏe theo quy định lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.