Môi trường là gì? Quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động như thế nào?
Môi trường là gì?
Theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
2. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.
4. Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là việc sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định.
...
Theo đó môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
Môi trường là gì? Quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động như thế nào?
Theo Điều 37 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động như sau:
- Trước khi thực hiện quan trắc môi trường lao động, tổ chức quan trắc môi trường lao động đảm bảo máy móc, thiết bị phục vụ quan trắc môi trường lao động được hiệu chỉnh, hiệu chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện đúng và đầy đủ quy trình quan trắc môi trường lao động đã cam kết.
- Thông báo trung thực kết quả quan trắc môi trường lao động cho người sử dụng lao động.
- Trường hợp kết quả quan trắc môi trường lao động không bảo đảm, cơ sở lao động thực hiện như sau:
+ Triển khai biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu yếu tố có hại và phòng chống bệnh nghề nghiệp;
+ Tổ chức khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp cho người lao động ở các vị trí có môi trường lao động không đảm bảo;
+ Bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Người sử dụng lao động thực hiện quan trắc môi trường lao động theo những nguyên tắc nào?
Theo Điều 35 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động, cụ thể:
- Thực hiện quan trắc đầy đủ yếu tố có hại được liệt kê trong Hồ sơ vệ sinh lao động do cơ sở lao động lập.
Đối với nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm, khi quan trắc môi trường lao động phải thực hiện đánh giá gánh nặng lao động và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
- Quan trắc môi trường lao động thực hiện theo đúng kế hoạch đã lập giữa cơ sở lao động và tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động.
- Quan trắc môi trường lao động bảo đảm như sau:
+ Thực hiện trong thời gian cơ sở lao động đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh;
+ Lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu cá nhân và vị trí lấy mẫu được đặt tại vùng có khả năng ảnh hưởng đến người lao động;
+ Đối với quan trắc môi trường lao động bằng phương pháp phát hiện nhanh khi kết quả có nghi ngờ, tổ chức quan trắc môi trường lao động lấy mẫu, phân tích bằng phương pháp phù hợp tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn.
- Yếu tố có hại cần quan trắc, đánh giá được bổ sung cập nhật trong Hồ sơ vệ sinh lao động trong trường hợp sau đây:
+ Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở lao động mà có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động;
+ Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung khi thực hiện quan trắc môi trường lao động;
+ Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động được thanh toán chi phí quan trắc môi trường lao động; đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp, báo cáo và phí quản lý do người sử dụng lao động chi trả theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức quan trắc môi trường lao động báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế về yếu tố có hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ sở lao động mà chưa có quy định về giới hạn cho phép.