Làm việc theo hợp đồng khoán việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?
Thế nào là hợp đồng khoán việc?
Hợp đồng khoán việc hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng này vẫn được sử dụng rộng rãi giống như một giao dịch dân sự và được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Có thể hiểu:
Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, bên nhận khoán phải hoàn thành công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán. Sau khi đã hoàn thành, bên nhận khoán bàn giao kết quả công việc cho bên giao khoán, bên giao khoán có trách nhiệm trả thù lao cho bên nhận khoán theo đúng thỏa thuận.
Dựa vào tính chất công việc cũng như phạm vi công việc được giao khoán, có thể phân hợp đồng khoán việc làm 02 loại, đó là:
(1) Khoán trọn gói
Bên giao khoán, khoán toàn bộ cho bên nhận khoán những chi phí, bao gồm chi phí vật liệu; chi phí nhân công; chi phí công cụ lao động liên quan đến hoạt động để thực hiện công việc. Bên giao khoán trả cho bên nhận khoán một khoản tiền gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu; chi phí nhân công; chi phí công cụ lao động, lợi nhuận từ việc nhận khoán.
(2) Khoán nhân công
Người nhận khoán phải tự bảo đảm công cụ lao động để hoàn thành công việc. Người giao khoán trả cho người nhận một khoản tiền công lao động, trong đó đã bao gồm tiền khấu hao công cụ lao động.
Làm việc theo hợp đồng khoán việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không? (Hình từ Internet)
Làm việc theo hợp đồng khoán việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?
Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
…
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Như vậy, người lao động theo hợp đồng lao động sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Đồng thời như đã phân tích ở trên, hợp đồng khoán việc là hợp đồng mà người lao động với vai trò người nhận khoán, ngoài việc sử dụng sức lao động con người, họ còn phải tự mua sắm trang bị công cụ lao động (đối với trường hợp khoán nhân công) và cả chi phí nguyên liệu, vật liệu (đối với trường hợp khoán trọn gói) để hoàn thành công việc giao khoán.
Như vậy, nếu hợp đồng khoán việc mang bản chất của hợp đồng lao động gồm có thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Trường hợp hợp đồng khoán việc mang bản chất là hợp đồng dịch vụ (bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và khi hoàn thành thì bàn giao kết quả của công việc đó) thì lúc này người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Cách tính lương theo khoán cho người lao động thế nào?
Tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Hình thức trả lương
Hình thức trả lương theo Điều 96 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán như sau:
...
b) Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
c) Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
...
Theo đó, tiền lương theo khoán được trả cho người lao động hưởng lương theo khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Công thức tính lương theo khoán như sau:
Tiền lương theo khoán nhận được = Mức lương theo khoán x Tỷ lệ % hoàn thành công việc