Làm thời vụ thì có được tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Làm thời vụ phải ký loại hợp đồng gì?
Trước đây, khi Bộ luật Lao động 2012 còn hiệu lực thi hành, người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ thì sẽ tiến hành ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành thì loại hợp đồng lao động theo mùa vụ đã bị loại bỏ.
Tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
...
Hiện nay, có 2 loại hợp đồng lao động đó là:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng)
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn (trong đó hai bên xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng).
Như vậy, hiện hành, nếu cần sử dụng lao động làm công việc thời vụ, các bên phải tiến hành ký hợp đồng lao động có thời hạn. Thời hạn cụ thể của hợp đồng này do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận trên cơ sở tính chất công việc: 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng nhưng không quá 36 tháng.
Làm thời vụ thì có được tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp hay không? (Hình từ Internet)
Làm thời vụ thì có được tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Theo quy pháp luật hiện hành để xác định người lao động có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay không thì căn cứ vào loại hợp đồng lao động mà người đó đã ký với người sử dụng lao động.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế.
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, nếu người lao động làm thời vụ mà ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên thì sẽ thuộc đối tượng tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Còn nếu chỉ ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì người lao động chỉ thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định rằng đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Do đó, ngay cả khi người lao động làm công việc thời vụ ký hợp đồng lao động với thời hạn dưới 01 tháng hay dưới 03 tháng thì vẫn sẽ nhận được khoản tiền tương ứng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động theo quy định pháp luật cho người lao động vào kỳ trả lương. Khoản tiền này được coi như là khoản bù đắp cho người lao động.
Nhân viên thời vụ có những quyền gì?
Tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Làm việc không trọn thời gian
...
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền của người lao động như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
e) Đình công;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
...
Theo quy định trên, nhân viên thời vụ được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, nhân viên thời vụ không bị giới hạn quyền lợi so với người lao động làm việc trọn thời gian. Do đó, nhân viên làm thời vụ có các quyền của người lao động như quy định trên.