Lãi suất khi người lao động tạm ứng tiền lương là bao nhiêu?
Người sử dụng lao động có bắt buộc tạm ứng lương cho nhân viên hay không?
Tại khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Kỳ hạn trả lương
...
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
...
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tạm ứng tiền lương
...
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Tại khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tạm đình chỉ công việc
...
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
...
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
...
Và theo khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
…
Theo đó, người sử dụng lao động bắt buộc tạm ứng tiền lương cho người lao động khi:
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán nếu công việc phải làm trong nhiều tháng;
- Người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên (trừ trường hợp nhập ngũ);
- Người lao động nghỉ hàng năm;
- Người lao động bị tạm đình chỉ công việc.
- Người lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Trường hợp người lao động thỏa thuận tạm ứng mà không thuộc 05 trường hợp phải tạm ứng, thì người sử dụng lao động có thể đồng ý tạm ứng hoặc không. Việc từ chối tạm ứng trong trường hợp này là không trái với quy định pháp luật.
Do đó, không phải trường hợp nào người lao động cũng bắt buộc phải tạm ứng tiền lương cho người lao động.
Lãi suất khi người lao động tạm ứng tiền lương là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Lãi suất khi người lao động tạm ứng tiền lương là bao nhiêu?
Tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tạm ứng tiền lương
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Như vậy, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận các điều kiện tạm ứng tiền lương. Đồng thời, khi thỏa thuận tạm ứng tiền lương theo thỏa thuận thì người sử dụng lao động không được tính lãi.
Mức phạt tiền khi không tạm ứng tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc là bao nhiêu?
Tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: ... không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, khi người sử dụng lao động không tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp bắt buộc phải tạm ứng thì tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt tiền được quy định nêu trên.