Kỹ thuật xác định nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp bằng thiết bị đo bụi điện tử theo QCVN 02:2019/BYT với phương pháp như thế nào?
- Kỹ thuật xác định nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp bằng thiết bị đo bụi điện tử theo QCVN 02:2019/BYT với phương pháp như thế nào?
- Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý nồng độ bụi nơi làm việc theo QCVN 02:2019/BYT quy định như thế nào?
- Cơ quan nào trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật về bụi theo QCVN 02:2019/BYT?
Kỹ thuật xác định nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp bằng thiết bị đo bụi điện tử theo QCVN 02:2019/BYT với phương pháp như thế nào?
Căn cứ theo Phụ lục 3 Kỹ thuật xác định nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp bằng thiết bị đo bụi điện tử ban hành kèm theo QCVN 02:2019/BYT về Bụi - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc có quy định nguyên lý và phương pháp làm việc như sau:
Nguyên lý
Nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp được xác định dựa trên sự tán xạ của chùm tia (hồng ngoại, laze...) khi tương tác với các hạt bụi có trong không khí. Kết quả được hiển thị bằng đơn vị mg/m3.
Phương pháp xác định
Thiết bị, dụng cụ:
- Máy đo bụi điện tử hiện số.
+ Dải đo: tối thiểu 0,01-25mg/m3.
+ Độ nhạy: tối thiểu 0,01 mg/m3.
+ Đo được nồng độ bụi trọng lượng trung bình theo thời gian, mg/m3.
- Bơm hút khi xác định nồng độ bụi hô hấp (nếu cần).
+ Lưu lượng hút có thể điều chỉnh được tối thiểu từ 0,5 - 5L/phút.
+ Lưu lượng ổn định với sai số không quá 5% trong suốt thời gian lấy mẫu.
- Máy đo bụi và bơm hút phải được hiệu chuẩn định kỳ tối thiểu 1 lần/năm.
Các bước tiến hành
a. Chuẩn bị thiết bị tại phòng thí nghiệm trước khi đi hiện trường
- Kiểm tra pin của máy đo và bơm hút để đảm bảo pin đã được nạp đầy đủ, chuẩn bị pin dự phòng.
- Kiểm tra tình trạng hoạt động của máy đo, bơm hút.
- Hiệu chỉnh máy đo theo hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị với từng loại máy. Hiệu chỉnh bơm hút ở lưu lượng 2,2L/phút.
b. Tiến hành đo tại hiện trường
Một số thiết bị có thể đo đồng thời bụi toàn phần và hô hấp, hiển thị 2 kết quả đồng thời trên màn hình. Một số thiết bị chỉ đo được riêng lẻ bụi toàn phần hoặc bụi hô hấp, khi đo bụi hô hấp phải lắp bộ sàng lọc bụi (cyclone tách bụi) và gắn máy đo với bơm hút.
- Đo bụi toàn phần.
+ Xác định vị trí điểm đo: khu vực người lao động làm việc.
+ Lắp pin vào thiết bị (nếu cần). Bật máy để kiểm tra tình trạng hoạt động của máy rồi tắt máy.
+ Thiết bị với ống đầu vào buồng đo đặt ở chiều cao ngang tầm hô hấp của người lao động, thông thường từ 1,5 đến 1,8m so với mặt sàn, vuông góc với nguồn phát sinh bụi. Có thể cầm thiết bị bằng tay hoặc đặt trên chân giá đỡ.
+ Bật máy đo: đo liên tục theo thời gian đã định.
+ Kết thúc thời gian đo, đọc và ghi lại giá trị trung bình của lần đo hiển thị trên màn hình của máy, tắt máy. Ghi lại điều kiện lao động và tình trạng sản xuất trong thời gian đo.
- Đo bụi hô hấp.
+ Xác định vị trí điểm đo: khu vực người lao động làm việc.
+ Lắp pin, bật máy đo và kiểm tra tình trạng thiết bị.
+ Tắt máy, lắp đầu lọc bụi hô hấp vào thiết bị để loại bỏ các hạt bụi cỡ lớn.
+ Kết nối đầu không khí đi ra của máy đo với bơm hút.
+ Thiết bị với ống đầu vào buồng đo đặt ở chiều cao ngang tầm hô hấp của người lao động, thông thường từ 1,5 đến 1,8m so với mặt sàn, vuông góc với nguồn phát sinh bụi. Có thể cầm thiết bị bằng tay hoặc đặt trên chân giá đỡ.
+ Bật máy đo và bơm hút: đo liên tục theo thời gian đã định.
+ Kết thúc thời gian đo, đọc và ghi lại giá trị trung bình của lần đo hiển thị trên màn hình của máy, tắt máy. Ghi lại điều kiện lao động và tình trạng sản xuất trong thời gian đo.
Lưu ý: Không sử dụng máy đo điện tử trong môi trường có độ ẩm cao (trên 95%), phun các chất kết dính như sơn, dầu mỡ, keo... vì làm hư hỏng các mạch điện tử và làm bẩn hệ thống quang học trong buồng đo.
Kết quả đo
- Kết quả nồng độ bụi là giá trị trung bình của lần đo hiển thị trên màn hình của máy.
- Một số thiết bị có quy định hệ số hiệu chỉnh cho từng loại bụi. Kết quả nồng độ bụi là giá trị trung bình của lần đo nhân với hệ số hiệu chỉnh.
Kỹ thuật xác định nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp bằng thiết bị đo bụi điện tử theo QCVN 02:2019/BYT với phương pháp như thế nào?
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý nồng độ bụi nơi làm việc theo QCVN 02:2019/BYT quy định như thế nào?
Căn cứ Mục 4 QCVN 02:2019/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 05 yếu tố bụi tại nơi làm việc quy định như sau:
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ
1. Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với bụi phải định kỳ quan trắc môi trường lao động, đánh giá yếu tố bụi tối thiểu 1 lần/năm theo quy chuẩn này và các quy định liên quan của Bộ Luật lao động; Luật an toàn, vệ sinh lao động.
2. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
3. Trường hợp nồng độ bụi tại nơi làm việc vượt giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của quy chuẩn này, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm như sau:
Định kỳ quan trắc môi trường lao động, đánh giá yếu tố bụi tối thiểu 1 lần/năm theo tiêu chuẩn quốc gia và các quy định liên quan của Bộ Luật lao động; Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động bằng cách cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Trường hợp nồng độ bụi tại nơi làm việc vượt giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của quy chuẩn này, doanh nghiệp có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm khắc phục hậu quả và cải thiện tình trạng hiện tại.
Cơ quan nào trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật về bụi theo QCVN 02:2019/BYT?
Căn cứ Mục 5 QCVN 02:2019/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 05 yếu tố bụi tại nơi làm việc, có quy định trong việc thực hiện quản lý nồng độ bụi tại nơi làm việc như sau:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện quy chuẩn này.
2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, văn bản pháp quy được viện dẫn trong quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định tại văn bản mới.
Như vậy, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế là cơ quan trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật về bụi và giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép.