Không được xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động trong những thời gian nào?
Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động trong những thời gian nào?
Căn cứ theo Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại
Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 06 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
2. Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động.
3. Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong những thời gian sau đây:
- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng;
- Nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
- Đang bị tạm giữ, tạm giam;
- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với các hành vi vi phạm:
+ Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
+ Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
+ Người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
- Lao động nữ mang thai;
- Người lao động nghỉ thai sản;
- Người lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Không được xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động trong những thời gian nào?
Xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
- Khi đủ điều kiện như đã đề cập ở trên thì người sử dụng lao động được quyền yêu cầu người lao động tường trình bằng văn bản về vụ việc.
- Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
- Ban hành quyết định xử lý bồi thường thiệt hại trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp.
Mẫu biên bản họp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản dành cho công ty mới nhất?
Hiện nay Bộ luật Lao động 2019 nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung chưa có quy định cụ thể mẫu biên bản họp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.
Tuy nhiên, mẫu biên bản họp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản dành cho công ty phải đảm bảo được các nội dung về thành phần tham dự, nội dung cuộc họp về yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Công ty có thể tham khảo Mẫu biên bản họp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản sau đây:
Tải mẫu biên bản họp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản dành cho công ty mới nhất: TẢI VỀ