Khẩu hiệu ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là gì? Lao động nữ được hưởng những quyền lợi riêng nào trong lao động?

Cho tôi hỏi ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) có khẩu hiệu là gì? Những quyền lợi riêng nào trong lao động dành cho lao động nữ? Câu hỏi của anh H.T.T (Hải Phòng)

Khẩu hiệu ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là gì?

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Vào ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt tại thành phố New York (Mỹ) đứng dậy đấu tranh đòi cải thiện điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân trong một hãng dệt tại Mỹ thành lập công đoàn đầu tiên và giành được một số quyền lợi.

Ngày 8/3/1910, tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch, các đại biểu đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những người đã đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ thế giới với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng hoạt động liên hoan, meating, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới ở các khía cạnh thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, hay điều kiện an sinh xã hội, đấu tranh chống mại dâm, bạo lực đối với phụ nữ, bình đẳng giới với phụ nữ…

Xem thêm thông tin tại: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thanh Hóa về Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-3

Khẩu hiệu ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là gì? Lao động nữ được hưởng những quyền lợi riêng nào trong lao động?

Khẩu hiệu ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là gì? Lao động nữ được hưởng những quyền lợi riêng nào trong lao động? (Hình từ Internet)

Lao động nữ được hưởng những quyền lợi riêng nào trong lao động?

Lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động được bảo đảm các quyền và nghĩa vụ như người lao động nam và được nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng về mọi mặt. Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ như sau:

Quyền được khám chuyên khoa phụ sản

Theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và khoản 1 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với lao động nữ, sẽ có khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.

Quyền được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh

Theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh được được nghỉ 30 phút mỗi ngày.

Quyền được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để có thời gian cho việc cho con bú, vắt sữa, trữ sữa và nghỉ ngơi.

Quyền không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ

Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được yêu cầu hoặc sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong một số trường hợp.

Quyền được chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nữ có quyền yêu cầu chuyển công việc nhẹ hơn trong trường hợp đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi đang mang thai.

Quyền được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ

Theo khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, khi hợp đồng lao động của lao động nữ hết hạn trong thời gian đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người lao động được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Quyền không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ

Theo điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được áp dụng biện pháp kỷ luật đối với người lao động trong thời gian mang thai và nghỉ thai sản, cũng như nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Quyền được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng

Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ được quy định như sau:

- Thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trong đó, thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.

- Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên, tính từ con thứ 2 trở đi, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng cho mỗi con.

- Trong suốt thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Điều này bao gồm tiền trợ cấp thai sản và các chế độ khác liên quan đến bảo hiểm xã hội.

- Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một khoảng thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

- Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng.

Quyền được đảm bảo việc làm sau chế độ thai sản

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền được đảm bảo việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi hoàn thành thời gian nghỉ theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 mà không bị giảm tiền lương và không mất quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.

Quyền không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Theo Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động nghiêm cấm sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Quyền được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1000 lao động nữ

Theo khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ 1000 người lao động nữ trở lên, người sử dụng lao động phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai

Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp việc làm tiếp tục có thể gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi và có xác nhận từ cơ sở khám chữa bệnh.

Quyền được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai

Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cho biết rằng việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, được quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Quyền bình đẳng với lao động nam về lương, thưởng, thăng tiến

Theo khoản 1 Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ và lao động nam trong nhiều khía cạnh, bao gồm lương, thưởng, thăng tiến và các quyền khác.

Quyền được hưởng BHXH chế độ thai sản

Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời gian mang thai, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản từ Bảo hiểm xã hội. Trong quá trình mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai và nhận chăm sóc y tế. Theo quy định, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần được nghỉ 01 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì khi sử dụng lao động nữ?

Sử dụng lao động nữ làm việc cho mình thì người sử dụng lao động phải đảm bảo những trách nhiệm sau đây:

- Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.

- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

- Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.

- Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.

(Theo Điều 136 Bộ luật Lao động 2019)

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào