Hợp đồng lao động điện tử có được dùng để giải quyết tranh chấp lao động hay không?
Hợp đồng lao động điện tử là gì?
Hợp đồng lao động điện tử là hợp đồng được giao kết giữa người lao động với người sử dụng lao động nhưng mọi thông tin đều được lưu dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Trong đó, thông điệp dữ liệu điện tử là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Hợp đồng lao động điện tử có được dùng để giải quyết tranh chấp lao động hay không? (Hình từ Internet)
Hợp đồng lao động điện tử có được dùng để giải quyết tranh chấp lao động hay không?
Tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Đồng thời, tại Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005 có quy định như sau:
Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ
1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Và tại Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2005 có quy định như sau:
Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Theo những quy định trên, pháp luật lao động cho phép giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu. Như vậy, dù được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu thì giá trị pháp lý của hợp đồng lao động điện tử vẫn được thừa nhận.
Khi các bên xảy ra tranh chấp, hợp đồng lao động điện tử sẽ được sử dụng làm căn cứ để giải quyết. Hợp đồng lao động điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động điện tử được quy định như thế nào?
Tại Điều 35 Luật Giao dịch điện tử 2005 có quy định như sau:
Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử
1. Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.
2. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.
3. Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
Theo đó, để giúp các bên có thể ký kết hợp đồng lao động điện tử một cách thống nhất đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia thì Luật Giao dịch điện tử 2005 đã quy định 3 nguyên tắc giao kết hợp đồng điện tử và buộc doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân phải tuân thủ, cụ thể:
(1) Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng
Hợp đồng điện tử sẽ được thành lập dựa trên nguyên tắc sự thỏa thuận thống nhất của tất cả các bên tham gia hợp đồng. Trong trường hợp một trong các bên tham gia hợp đồng không đồng ý thì không thể thực hiện giao kết hợp đồng điện tử.
(2) Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng.
Nhằm đảm bảo hợp đồng điện tử có tính pháp lý, là căn cứ giải quyết khi xảy ra các tranh chấp thì giao kết hợp đồng điện tử buộc phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng.
(3) Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
Bên cạnh những quy định của Pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử thì doanh nghiệp, đơn vị có quyền tự do thỏa thuận các yêu cầu về kỹ thuật, chứng thực, hay các điều kiện đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật liên quan đến hợp đồng. Nguyên tắc giao kết này sẽ giúp các bên hoạt động ở các ngành nghề đặc thù bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn.