Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động gồm những giấy tờ gì?
Tại Điều 4 Thông tư 14/2013/TT-BYT, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2023/TT-BYT có quy định như sau:
Hồ sơ khám sức khỏe
1. Hồ sơ KSK của người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên là Giấy KSK theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ KSK.
2. Hồ sơ KSK của người chưa đủ 18 (mười tám) tuổi là Giấy KSK theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ KSK.
3. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đề nghị KSK nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ, hồ sơ KSK bao gồm: Giấy KSK theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều này và văn bản đồng ý của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó.
4. Đối với người được KSK định kỳ, hồ sơ KSK bao gồm:
a) Sổ khám sức khỏe định kỳ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc đối với trường hợp KSK định kỳ đơn lẻ hoặc có tên trong danh sách KSK định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc xác nhận để thực hiện KSK định kỳ theo hợp đồng.
Theo đó, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động gồm có:
- Sổ khám sức khỏe định kỳ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BYT.
Tải Sổ khám sức khỏe định kỳ: Tại đây.
- Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ đơn lẻ hoặc có tên trong danh sách khám sức khỏe định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc xác nhận để thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo hợp đồng.
Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động gồm những giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Thời gian lưu trữ hồ sơ khám sức khỏe định kỳ được pháp luật quy định như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 28/2016/TT-BYT có quy định như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập, quản lý hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp và lưu giữ trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; trả hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động khi người lao động chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ.
...
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải lưu trữ hồ sơ đối với hồ sơ sức khỏe trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị và trả hồ sơ khi người lao động chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ việc.
Thời giờ khám sức khỏe có được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương của người lao động hay không?
Tại Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
1. Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này.
2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
4. Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động.
5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
6. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
7. Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.
8. Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.
9. Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
10. Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Theo quy định trên, thời giờ khám sức khỏe của người lao động vẫn được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
Ngoài ra, thời giờ khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cũng được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.