Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước phải được nộp khi nào?
Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước phải được nộp khi nào?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Trả lại giấy phép, tạm dừng hiệu lực của giấy phép
1. Giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước đã được cấp nhưng chủ giấy phép không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp thì có quyền trả lại cho cơ quan cấp giấy phép và thông báo lý do.
2. Giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước đã được cấp nhưng quy mô công trình thay đổi dẫn đến thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép thì chủ giấy phép trả lại giấy phép đã được cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi được cấp giấy phép mới.
3. Tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất:
a) Trường hợp chủ giấy phép đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép thì việc tạm dừng chỉ được xem xét khi thời gian đề nghị tạm dừng tối thiểu 30 ngày liên tục và chỉ được xem xét tạm dừng tối đa 2 lần trong thời gian hiệu lực của giấy phép đã được cấp.
Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép phải nộp trước thời điểm đề nghị tạm dừng thăm dò ít nhất 15 ngày;
b) Trường hợp cơ quan cấp phép tạm dừng giấy phép thì cơ quan cấp phép phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước ít nhất 15 ngày.
4. Tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước:
a) Trường hợp chủ giấy phép đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép thì việc tạm dừng chỉ được xem xét khi thời gian đề nghị tạm dừng tối thiểu 60 ngày liên tục và chỉ được xem xét tạm dừng tối đa 2 lần trong thời gian hiệu lực của giấy phép đã được cấp.
Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép phải nộp trước thời điểm đề nghị tạm dừng khai thác tài nguyên nước ít nhất 30 ngày;
b) Trường hợp cơ quan cấp phép tạm dừng giấy phép thì cơ quan cấp phép phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước ít nhất 30 ngày.
5. Khi giấy phép bị tạm dừng, chấm dứt hiệu lực thì chủ giấy phép không được thăm dò nước dưới đất, khai thác tài nguyên nước trong thời gian tạm dừng, chấm dứt hiệu lực và các quyền liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.
Theo đó, hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước phải nộp trước thời điểm đề nghị tạm dừng khai thác tài nguyên nước ít nhất 30 ngày.
Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước phải được nộp khi nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị trả lại, tạm dừng giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước
1. Hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép, bao gồm:
a) Đơn đề nghị trả lại giấy phép;
b) Tài liệu chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và các nghĩa vụ khác có liên quan (nếu có);
c) Mẫu đơn đề nghị trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước được lập theo Mẫu 10 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép, bao gồm:
a) Đơn đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép và các tài liệu khác liên quan (nếu có);
b) Mẫu đơn đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước được lập theo Mẫu 11 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Theo đó, hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Đơn đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép và các tài liệu khác liên quan (nếu có);
- Mẫu đơn đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước.
Hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước được thẩm định trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự, thủ tục tạm dừng hiệu lực giấy phép, chấp thuận trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước
1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép, trả lại giấy phép (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật hoặc trực tuyến tại cổng dịch vụ công cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận chuyển hồ sơ cho cơ quan thẩm định hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định này để tổ chức thẩm định.
2. Thẩm định hồ sơ đề nghị tạm dừng, chấp thuận trả lại giấy phép:
a) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận tạm dừng, trả lại giấy phép khai thác tài nguyên nước. Trường hợp không đủ điều kiện để chấp thuận, cơ quan thẩm định hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và thông báo rõ lý do bằng văn bản;
b) Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Thời gian thẩm định sau khi được bổ sung hoàn chỉnh là 6 ngày làm việc.
Theo đó, hồ sơ đề nghị tạm dừng hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước được thẩm định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.