Giảng viên giáo dục nghề nghiệp hạng mấy?
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp hạng mấy?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/12/2024 quy định như sau:
Mã số các hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp
1. Mã số chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp
a) Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) - Mã số: V.09.02.01;
b) Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) - Mã số: V.09.02.02;
c) Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) - Mã số: V.09.02.03;
d) Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) - Mã số: V.09.02.04.
2. Mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên giáo dục nghề nghiệp
a) Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) - Mã số: V.09.02.05;
b) Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) - Mã số: V.09.02.06;
c) Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) - Mã số: V.09.02.07;
d) Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) - Mã số: V.09.02.08;
đ) Giáo viên giáo dục nghề nghiệp (hạng IV) - Mã số: V.09.02.09.
Theo đó, giảng viên giáo dục nghề nghiệp có 3 hạng, cụ thể như sau:
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp hạng 1;
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính hạng 2;
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hạng 3;
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành hạng 3.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp hạng mấy? (Hình từ Internet)
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp là nhà giáo dạy lý thuyết hay thực hành?
Căn cứ theo Điều 53 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định như sau:
Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp
1. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm nhà giáo dạy lý thuyết, nhà giáo dạy thực hành hoặc nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.
2. Nhà giáo trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên.
3. Chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp.
4. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất, đạo đức tốt;
b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ;
c) Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;
d) Có lý lịch rõ ràng.
Theo đó, giảng viên giáo dục nghề nghiệp có thể là nhà giáo dạy lý thuyết hoặc nhà giáo dạy thực hành hoặc nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.
Có bắt buộc đánh giá giảng viên giáo dục nghề nghiệp hằng năm hay không?
Căn cứ theo Điều 56 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định như sau:
Tuyển dụng, đánh giá và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo
1. Việc tuyển dụng nhà giáo phải bảo đảm các tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại khoản 4 Điều 53 và Điều 54 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức, ưu tiên tuyển dụng làm nhà giáo đối với người có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.
2. Nhà giáo phải được đánh giá, phân loại hằng năm theo quy định của pháp luật.
3. Việc bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ; thực tập tại doanh nghiệp đối với nhà giáo được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.
Theo đó, đánh giá giảng viên giáo dục nghề nghiệp hằng năm là quy định bắt buộc.
Các chính sách đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp là gì?
Căn cứ theo Điều 58 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 các chính sách đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp gồm:
- Được hưởng chế độ tiền lương theo chức danh; phụ cấp ưu đãi theo ngành, nghề, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành, nhà giáo dạy thực hành các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhà giáo cho người khuyết tật theo quy định của Chính phủ;
- Chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách khác đối với nhà giáo theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, còn có các chính sách sau:
- Được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Chính phủ.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích nhà giáo đến công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo được biệt phái đến làm việc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp là tiến sĩ, nghệ nhân hoặc có trình độ kỹ năng nghề cao công tác trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu, có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn để làm việc về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về lao động.
- Nhà nước có chính sách đầu tư đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp sư phạm đối với nhà giáo đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật.