Được phép sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nào?
Được phép sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nào?
Người sử dụng lao động được phép sử dụng người lao động chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm mọi công việc nhưng cần loại trừ những công việc nặng nhọc không phù hợp với độ tuổi được quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 và không cho người lao động này làm việc ở những nơi được quy định tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Lao động 2019.
Người sử dụng lao động chỉ được phép sử dụng người lao động chưa thành niên ở độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm những công việc phù hợp với độ tuổi được Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH;
Xem danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm tại đây.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được phép sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi làm những công việc như biểu diễn nghệ thuật, tham gia biểu diễn thể dục, thể thao nhưng những hoạt động đó không được làm ảnh hưởng, làm tổn hại đến sự phát triển về mọi mặt của người lao động ở độ tuổi này.
Bên cạnh đó, việc sử dụng lao động trong trường hợp này cần phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thuộc UBND cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi diễn ra hoạt động của doanh nghiệp và nơi cư trú của người lao động chưa đủ 13 tuổi).
Được phép sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nào? (Hình từ Internet)
Sử dụng lao động chưa thành niên cần phải đảm bảo nguyên tắc nào?
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động 2019, khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động cần phải đảm bảo bốn nguyên tắc sau đây:
- Lao động chưa thành niên chỉ được làm những làm công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân, đúng số tuổi để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.
- Khi sử dụng lao động chưa thành niên thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc người lao động về nhiều mặt lao động, bên cạnh đó cũng cần để ý đến sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
- Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Ngoài ra, còn phải tạo cơ hội, điều kiện để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Mẫu sổ theo dõi tình hình sử dụng lao động chưa thành niên hiện nay là mẫu nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH, việc lập Sổ theo dõi tình hình sử dụng lao động chưa thành niên là trách nhiệm của người sử dụng lao động do đó đây là hoạt động bắt buộc khi sử dụng người lao động chưa thành niên.
Khi sử dụng người lao động chưa thành niên mà người sử dụng lao động không lập sổ theo dõi riêng thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (mức phạt cá nhân) và từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (mức phạt tổ chức) theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Hiện nay, người sử dụng lao động lậ Sổ theo dõi tình hình sử dụng lao động chưa thành niên theo Mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH và thường xuyên cập nhật thông tin vào Sổ theo dõi như sau:
Tải Mẫu sổ theo dõi tình hình sử dụng lao động chưa thành niên mới nhất 2023: Tại đây
Lưu ý:
- Ở mục 1: Nếu đang đi học: ghi là học lớp mấy; nếu không còn đi học ghi: Thôi học (trình độ văn hóa cao nhất), ví dụ: Thôi học (Lớp 3).
- Ở mục 2: Ghi theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019.
- Ở mục 3: Về kết quả khám sức khỏe định kỳ: Ghi kết quả phân loại sức khỏe; tóm tắt tình trạng bệnh tật (nếu có).