Điều kiện doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động là gì?
Điều kiện doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động là gì?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nêu rõ:
Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Theo khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động được cấp Thẻ an toàn cho người được huấn luyện thuộc nhóm 3 sau khi kiểm tra đạt yêu cầu.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 26 Nghị định 44/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 29 Nghị định 44/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn cho lao động nhóm 3 khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hoặc thuê, liên kết để có ít nhất 01 phòng học có diện tích ít nhất từ 30 m2 trở lên;
- Có hoặc thuê, liên kết để có máy, thiết bị, hóa chất, xưởng, khu thực hành bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện.
Máy, thiết bị, vật tư, hóa chất, nơi huấn luyện thực hành phải bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động; khu huấn luyện thực hành bảo đảm diện tích ít nhất 300 m2.
- Có ít nhất 04 người cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ, trong đó 01 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;
- Có tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng và được xây dựng theo đúng chương trình khung huấn luyện.
Đồng thời, doanh nghiệp phải lập 01 bộ hồ sơ chứng minh đủ điều kiện nêu trên gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (gọi tắt là Bộ).
Trong 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tự huấn luyện cho doanh nghiệp.
Hết 25 ngày làm việc, nếu Bộ không có thông báo về việc doanh nghiệp không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động huấn luyện thì doanh nghiệp được tự huấn luyện trong phạm vi đã đề nghị.
Lưu ý: Thời hạn đủ điều kiện tự huấn luyện là 05 năm. Trước khi hết thời hạn 30 ngày, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tự huấn luyện thì doanh nghiệp gửi hồ sơ tương tự đến Bộ để được xem xét đánh giá lại đủ điều kiện hoạt động.
Điều kiện doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động là gì?
Công ty không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện hoặc sử dụng người lao động không được cấp thẻ an toàn theo quy định của pháp luật làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trước khi bố trí làm công việc này theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người trở lên.
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.
Mức xử phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào số lượng người lao động mà doanh nghiệp đã không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Có mấy nhóm đối tượng phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động?
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định:
Đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2. Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
3. Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
5. Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
6. Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó, có 6 nhóm đối tượng phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động được quy định như trên.