Công ty trả lương tháng 13 cho người lao động sau Tết Nguyên đán có được không?
Công ty trả lương tháng 13 cho người lao động sau Tết Nguyên đán có được không?
Có thể hiểu lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng được trả thêm cho người lao động ngoài tiền lương tháng thường xuyên. Lương tháng 13 thường được trả vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Lương tháng 13 có thể được trả dựa trên lương tháng thường xuyên, thu nhập bình quân của người lao động trong năm hoặc một mức cố định.
Theo quy định của pháp luật thì khái niệm lương tháng thứ 13 chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản pháp quy nào. Tuy nhiên nó vẫn được người lao động coi như một khoản tiền thưởng của công ty.
Căn cứ tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Vì vậy, nếu quy chế thưởng quy định việc chi trả tiền thưởng lương tháng 13 sau dịp Tết Nguyên đán thì người sử dụng lao động tiến hành chi trả sau dịp tết Nguyên đán là phù hợp với quy định pháp luật.
Người sử dụng lao động trả tiền lương tháng 13 cho người lao động sau Tết Nguyên đán được không? (Hình từ Internet)
Công ty không công bố công khai quy chế thưởng lương tháng 13 cho người lao động trước khi thực hiện sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
b) Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
d) Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
đ) Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
...
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động không công bố quy chế thưởng lương tháng 13 cho người lao động trước khi thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi (quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Như vậy, trường hợp không công bố quy chế thưởng lương tháng 13 cho người lao động trước khi thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm.
Người sử dụng lao động cần đảm bảo nguyên tắc trả lương thế nào cho người lao động?
Căn cứ tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy, người sử dụng lao động cần đảm bảo nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định như trên.