Công ty được phép kéo dài thời hạn trả lương cho NLĐ nghỉ việc trong bao lâu?
Công ty được phép kéo dài thời hạn trả lương cho NLĐ nghỉ việc trong bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 có quy địinh như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
...
Nhưi vậy, công ty được phép kéo dài thời hạn trả lương cho người lao động nghỉ việc không quá 30 ngày.
Công ty được phép kéo dài thời hạn trả lương cho NLĐ nghỉ việc trong bao lâu?
Mức lương tối thiểu mà công ty phải trả cho người lao động là bao nhiêu?
Tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tiền lương như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Như vậy, theo quy định trên, công ty trả lương cho người lao động theo công việc hoặc theo chức danh thì không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mặt khác, các khoản phụ cấp lương và khoản bổ sung khác sẽ do các bên tự thỏa thuận chứ không bắt buộc phải có.
Do vậy, mức lương tối thiểu mà công ty trả cho người lao động phải bằng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
- Vùng 1: Mức lương tối thiểu tháng là 4.680.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng.
- Vùng 2: Mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng.
- Vùng 3: Mức lương tối thiểu tháng là 3.640.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 17.500 đồng.
- Vùng 4: Mức lương tối thiểu tháng là 3.250.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 15.600 đồng.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Được phép sử dụng đơn vị tiền tệ nào để trả lương cho người lao động?
Tại khoản 14 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN có quy định như sau:
Các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
...
14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
...
Và tại khoản 2 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Theo những quy định trên, một trong các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả trường hợp người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
Đồng thời, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
Như vậy, pháp luật lao động đã quy định rất rõ rằng tiền lương trả cho người lao động Việt Nam phải sử dụng đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam.
Nếu người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì đơn vị tiền tệ của tiền lương được dùng để chi trả có thể là tiền Đồng Việt Nam hoặc là đồng tiền ngoại tệ.
Quy định về đơn vị tiền tệ này này phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng tiền Đồng Việt Nam.