Công ty có nghĩa vụ cử người giám sát thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn tại nơi làm việc không?
Công ty có nghĩa vụ cử người giám sát thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn không?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định 07 nghĩa vụ của người sử dụng lao động về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;
d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;
g) Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật là một trong những nghĩa vụ mà công ty phải làm.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động?
Công ty tự chủ động huấn luyện an toàn lao động được không?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động như sau:
Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định tại khoản này khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
...
7. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật đầu tư và Luật này.
Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
...
Như vậy, công ty được phép tự chủ động trong việc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động khi đáp ứng điều kiện là gì?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nêu rõ:
Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Theo khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2016/NĐ-CP điều này được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động được cấp Thẻ an toàn cho người được huấn luyện thuộc nhóm 3 sau khi kiểm tra đạt yêu cầu.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 26 Nghị định 44/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 29 Nghị định 44/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn cho lao động nhóm 3 khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hoặc thuê, liên kết để có ít nhất 01 phòng học có diện tích ít nhất từ 30 m2 trở lên;
- Có hoặc thuê, liên kết để có máy, thiết bị, hóa chất, xưởng, khu thực hành bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện.
Máy, thiết bị, vật tư, hóa chất, nơi huấn luyện thực hành phải bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động; khu huấn luyện thực hành bảo đảm diện tích ít nhất 300 m2.
- Có ít nhất 04 người cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ, trong đó 01 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;
- Có tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng và được xây dựng theo đúng chương trình khung huấn luyện.
Đồng thời, doanh nghiệp phải lập 01 bộ hồ sơ chứng minh đủ điều kiện nêu trên gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (gọi tắt là Bộ).
Trong 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tự huấn luyện cho doanh nghiệp.
Hết 25 ngày làm việc, nếu Bộ không có thông báo về việc doanh nghiệp không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động huấn luyện thì doanh nghiệp được tự huấn luyện trong phạm vi đã đề nghị.
Lưu ý: Thời hạn đủ điều kiện tự huấn luyện là 05 năm. Trước khi hết thời hạn 30 ngày, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tự huấn luyện thì doanh nghiệp gửi hồ sơ tương tự đến Bộ để được xem xét đánh giá lại đủ điều kiện hoạt động.