Công ty chậm trả lương, người lao động được khiếu nại lên cơ quan nào?
Công ty có bắt buộc phải trả lương đúng hạn cho người lao động hay không?
Tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
...
Về mặt nguyên tắc thì công ty phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Việc chậm trả lương cho người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Công ty chậm trả lương, người lao động được khiếu nại lên cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Công ty chậm trả lương, người lao động được khiếu nại lên cơ quan nào?
Tại Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này hoặc thực hiện khiếu nại lần hai theo quy định sau đây:
a) Đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này;
Đồng thời, tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.
2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.
Theo đó, nếu công ty chậm trả lương thì người lao động có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình như sau:
Thứ nhất, thực hiện khiếu nại lần đầu:
Người lao động thực hiện việc gửi đơn khiếu lại lần đầu đến người sử dụng lao động.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động phải gửi đơn khiếu nại trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động bị khiếu nại.
Trường hợp người lao động không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do ốm đau, thiên tại, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Thứ hai, thực hiện khiếu nại lần 02 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu (30 ngày kể từ ngày thụ lý hoặc 40 ngày kể từ ngày thụ lý đối với vụ việc phức tạp) không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì bạn có quyền khiếu nại lên Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thời hạn giải quyết: Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 24/2018/NĐ-CP
+ Không quá 45 ngày (đối với vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý;
+ Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.
Nếu khiếu nại lần 02 không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Đơn khiếu nại khi công ty chậm trả lương phải có những thông tin gì?
Tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Hình thức khiếu nại
1. Khiếu nại thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau:
a) Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.
...
Như vậy, nội dung đơn khiếu nại phải đầy đủ các thông tin sau:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại.
Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.