Công chức sinh con thứ ba có bị chậm tăng lương không?

Tôi nghe nói công chức mà sinh con thứ ba sẽ bị xử lý kỷ luật và bị chậm tăng lương. Vậy cho tôi hỏi nếu công chức sinh con thứ ba thì có bị chậm tăng lương không? Tôi cảm ơn. Câu hỏi từ chị Thanh (Quảng Ngãi).

Công chức có thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức nào?

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật công chức như sau:

Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
...
2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Hạ bậc lương.
d) Buộc thôi việc.
3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Giáng chức.
d) Cách chức.
đ) Buộc thôi việc.

Theo đó công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có các hình thức xử lý kỷ luật sau: khiển tách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc.

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thêm hình thức xử lý kỷ luật giáng chức.

Công chức sinh con thứ 3 có bị chậm tăng lương không?

Công chức sinh con thứ ba có bị chậm tăng lương không? (Hình từ Internet)

Công chức sinh con thứ ba có bị xử lý kỷ luật không?

Căn cứ khoản 9 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Theo đó, công chức sinh con thứ ba sẽ bị kỷ luật nếu vi phạm quy định về dân số, hôn nhân và gia đình.

Căn cứ Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003 (được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12) quy định như sau:

Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Căn cứ Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP) quy định về những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, cụ thể như sau:

Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Theo đó không phải mọi trường hợp công chức sinh con thứ ba đều bị xử lý kỷ luật. Nếu công chức sinh con thứ ba thuộc 01 trong 07 trường hợp đặc biệt nêu trên thì sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Công chức sinh con thứ ba có bị chậm tăng lương không?

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV) quy định về tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên như sau:

Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
...
2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh quy định tại Khoản 1 Điều này và qua đánh giá đạt đủ 02 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
a) Đối với cán bộ, công chức:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
b) Đối với viên chức và người lao động:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
...

Theo đó một trong những điều kiện để nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức là không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV) quy định về thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên như sau:

Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
...
3. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên:
“Trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này như sau:
a) Kéo dài 12 tháng đối với các trường hợp:
- Cán bộ bị kỷ luật cách chức;
- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;
- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.
b) Kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp:
- Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;
- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.
c) Kéo dài 03 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách.
d) Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
đ) Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại điểm a, b, c khoản này.
e) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý ký luật hành chính quy định tại khoản này.
...

Theo đó thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức như sau:

Thời gian chậm tăng lương

Công chức

12 tháng

- Bị giáng chức (đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng)

- Bị cách chức (đã bị giáng chức mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ).

06 tháng

- Bị khiển trách

- Bị cảnh cáo (Bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng)

Theo đó để xác định được công chức sinh con thứ ba có bị chậm tăng lương hay không, trước tiên phải xác định công chức sinh con thứ ba có thuộc trường hợp vi phạm quy định sinh một hoặc hai con hay không.

Nếu công chức sinh con thứ ba thuộc trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con thì sẽ không bị chậm tăng lương.

Nếu công chức sinh con thứ ba vi phạm quy định sinh một hoặc hai con thì sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách. Khi đó công chức sẽ bị chậm tăng lương 06 tháng.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào