Có phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hay không?
Khi nào hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ?
Tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hợp đồng lao động vô hiệu
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
...
Về nguyên tắc, hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ khi hợp đồng đó không tuân thủ các quy định của pháp luật, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể hoặc lợi ích chung của xã hội. Thông thường hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ khi không đảm bảo điều kiện về chủ thể giao kết, nội dung giao kết hoặc phạm vào điều cấm của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Toàn bộ nội dung, điều khoản trong hợp đồng lao động đều không đúng với quy định của pháp luật.
- Người không có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động nhưng lại tiến hành ký kết các hợp đồng lao động hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động.
- Những công việc pháp luật cấm thực hiện nhưng các bên vẫn thoả thuận thực hiện. Chẳng hạn như những công việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma tuý; hay công việc không được phép sử dụng lao động chưa thành niên nhưng người lao động đó lại là lao động chưa thành niên...
Có phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hay không? (Hình từ Internet)
Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do giao kết không đúng thẩm quyền thì xử lý như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương III Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
...
2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có nêu:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
a) Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
b) Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
c) Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
...
Như vậy, mặc dù vi phạm nguyên tắc giao kết, hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ nhưng các bên có thể ký lại theo đúng quy định của pháp luật
Trường hợp không ký kết lại thì hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động. Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Có phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hay không?
Tại điểm c khoản 3 Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
...
3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
...
Theo đó, nếu người lao động phải nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người này.