Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được sử dụng ở nước ngoài khi được nước đó thừa nhận có đúng không?
Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được sử dụng ở nước ngoài khi được nước đó thừa nhận có đúng không?
Căn cứ Điều 33 Luật Việc làm 2013 quy định về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia như sau:
Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
1. Người lao động đạt yêu cầu ở bậc trình độ kỹ năng nghề nào thì được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ đó theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị trong phạm vi cả nước. Trường hợp có sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị tại quốc gia, vùng lãnh thổ đã công nhận, thừa nhận và ngược lại.
Theo đó chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được sử dụng ở nước ngoài khi có sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị tại quốc gia, vùng lãnh thổ đã công nhận, thừa nhận và ngược lại.
Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được sử dụng ở nước ngoài khi nào?
NLĐ bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi nào?
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 31/2015/NĐ-CP quy định:
Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
1. Công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng bao gồm:
a) Công việc thuộc danh mục công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
b) Công việc khi người lao động thực hiện công việc đó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng hoặc sức khỏe của người khác.
2. Việc đề xuất, thay đổi, loại bỏ, bổ sung các công việc vào danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Lựa chọn các công việc theo quy định tại Khoản 1 Điều này để từng bước đưa vào danh mục theo lộ trình nhằm bảo đảm việc thực hiện được khả thi, hạn chế các tác động gây ảnh hưởng đến người lao động, người sử dụng lao động và xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp, xã hội;
b) Các công việc thuộc danh mục được đề xuất thay đổi hoặc loại bỏ khi công việc đó thay đổi tên gọi hoặc không còn công việc đó.
3. Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được sắp xếp theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam hiện hành.
4. Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Như vậy, người lao động làm công việc thuộc danh mục công việc, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng hoặc sức khỏe của người khác thì bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện nay được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH (được bổ sung bởi điều 1 Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH)
Người được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 31/2015/NĐ-CP quy định:
Điều kiện cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia
1. Người được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Đáp ứng được một trong các điều kiện về trình độ kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 của Điều này;
c) Hoàn thành khóa đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
2. Người được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia bậc trình độ kỹ năng nghề bậc 1 phải đáp ứng một trong các điều kiện về trình độ kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm sau đây:
a) Đã được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia về nghề đó;
b) Đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 trở lên của nghề đó hoặc là người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2 của nghề đó và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc trong nghề kể từ khi được cấp chứng chỉ đó;
c) Đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên về ngành học tương ứng với nghề đó và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc trong nghề kể từ khi tốt nghiệp, hiện đang giảng dạy từ trình độ trung cấp trở lên hoặc đang làm việc tại cơ sở y tế, doanh nghiệp.
...
Theo đó, người được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia cần đáp ứng điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Đáp ứng được một trong các điều kiện về trình độ kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định;
- Hoàn thành khóa đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.