Chế độ khi đi khám nghĩa vụ quân sự của người lao động không thuộc các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm những gì?
- Nghỉ làm để đi khám nghĩa vụ quân sự, người lao động không thuộc các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng chế độ gì?
- Ai có trách nhiệm chi trả tiền tàu xe cho người lao động đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?
- Người lao động không nghỉ làm để khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt như thế nào?
Nghỉ làm để đi khám nghĩa vụ quân sự, người lao động không thuộc các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng chế độ gì?
Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 13/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Chế độ chính sách của công dân trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
2. Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được đảm bảo các chế độ sau:
a) Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh;
b) Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
Theo đó, khi nghỉ làm để thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, người lao động không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sẽ được giải quyết quyền lợi như sau:
- Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.
- Được thanh toán tiền tàu xe đi và về.
Chế độ khi đi khám nghĩa vụ quân sự của người lao động không thuộc các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Ai có trách nhiệm chi trả tiền tàu xe cho người lao động đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?
Tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định 13/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Thực hiện chi trả chế độ
1. Nguyên tắc hưởng chế độ
Thời gian đi, về và thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc khám, kiểm tra sức khỏe từ 4 giờ trở lên trong ngày được tính cả ngày; dưới 4 giờ trở xuống tính 1/2 ngày.
2. Trách nhiệm chi trả
a) Công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chi trả;
b) Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chi trả và thanh quyết toán với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;
c) Công dân không thuộc cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả.
Như vậy, người lao động không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sẽ được Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả tiền ăn và tiền tàu xe.
Người lao động không nghỉ làm để khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Như vậy, người lao động không nghỉ làm để khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Hoặc bị xử phạt hành chính với mức 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu bị xem là có hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.