Cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp trong trường hợp nào?
Cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp trong trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 59/2016/NĐ-CP quy định:
Cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Cấp lần đầu đối với các đối tượng được quyết định tuyển chọn, tuyển dụng thành quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
2. Cấp đổi trong trường hợp sau đây:
a) Chứng minh hết thời hạn sử dụng quy định tại Điều 5 Nghị định này hoặc bị hư hỏng;
b) Chuyển đổi đối tượng bố trí sử dụng;
c) Thay đổi họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc thay đổi nhận dạng do bị thương tích, thẩm mỹ, chỉnh hình.
3. Cấp lại trong trường hợp bị mất Chứng minh.
Theo đó, cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp trong trường hợp bị mất Chứng minh.
Cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp trong trường hợp nào?
Trình tự, thủ tục cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp được quy định thế nào?
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 59/2016/NĐ-CP quy định:
Trình tự, thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Trình tự, thủ tục cấp lần đầu được thực hiện như sau:
a) Cá nhân điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
b) Cơ quan quản lý nhân sự trung đoàn và tương đương thực hiện chụp ảnh, lấy vân tay từng người, đối chiếu dữ liệu quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng để làm thủ tục cấp Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền quản lý; tổng hợp báo cáo cấp trên trực tiếp; thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thiện thủ tục;
c) Cơ quan quản lý nhân sự sư đoàn và tương đương thực hiện thủ tục theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền quản lý; kiểm tra việc cấp Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng của đơn vị thuộc quyền; tổng hợp báo cáo cấp trên trực tiếp; thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thiện thủ tục;
d) Cơ quan quản lý nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện kiểm tra, hoàn chỉnh thủ tục; báo cáo Thủ trưởng đơn vị ký Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền quản lý; thời gian thực hiện không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thiện thủ tục.
2. Trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại được thực hiện như sau:
a) Trường hợp cấp đổi quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 8 Nghị định này, cá nhân điền vào tờ khai theo mẫu và nộp cơ quan quản lý nhân sự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp cấp đổi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này, cá nhân có đơn đề nghị cấp đổi, xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp, điền vào tờ khai theo mẫu và nộp cơ quan quản lý nhân sự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này;
c) Trường hợp cấp lại do bị mất quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này, cá nhân có đơn đề nghị cấp lại, xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp, điền vào tờ khai theo mẫu và nộp cho cơ quan quản lý nhân sự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này;
d) Cơ quan quản lý nhân sự thực hiện trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này.
Theo đó, trình tự, thủ tục cấp lại Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp được quy định như sau:
- Cá nhân có đơn đề nghị cấp lại, xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp, điền vào tờ khai theo mẫu;
- Nộp cơ quan quản lý nhân sự. Cụ thể:
+ Cơ quan quản lý nhân sự sư đoàn và tương đương;
+ Cơ quan quản lý nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng những quyền gì?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Quyền của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng:
a) Được Nhà nước bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội nhân dân;
b) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức danh đảm nhiệm;
c) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng:
a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
...
Theo đó, quyền của quân nhân chuyên nghiệp được quy định như sau:
- Được Nhà nước bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội nhân dân;
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức danh đảm nhiệm;
- Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.