Cần lưu ý những vấn đề gì khi ngừng đình công?
Ngừng đình công là gì?
Ngừng đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm dừng cuộc đình công đang diễn ra cho đến khi không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
(Căn cứ khoản 2 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Cần lưu ý những vấn đề gì khi ngừng đình công? (Hình từ Internet)
Cần lưu ý những vấn đề gì khi ngừng đình công?
(1) Trường hợp ngừng đình công
Khi xảy ra các hành vi sau đây sẽ phải thực hiện ngừng đình công:
- Đình công diễn ra trên địa bàn xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
- Đình công diễn ra đến ngày thứ ba tại các đơn vị cung cấp điện, nước, vệ sinh công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh;
- Đình công diễn ra có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhà đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
(Căn cứ khoản 4 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
(2) Thẩm quyền quyết định ngừng đình công
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền ban hành quyết định ngừng đình công nếu xét thấy:
- Cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân;
- Cuộc đình công gây ảnh hưởng lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
(Căn cứ Điều 210 Bộ luật Lao động 2019).
(3) Thời gian thực hiện ngừng đình công
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định ngừng đình công, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người lao động, người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan phải thực hiện ngay việc ngừng đình công theo quy định.
(Căn cứ khoản 4 Điều 111 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
(4) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc
Người sử dụng lao động bị cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công.
(Căn cứ khoản 2 Điều 206 Bộ luật Lao động 2019)
(5) Quyền của người lao động khi ngừng đình công
Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về việc ngừng đình công, người lao động phải trở lại làm việc và sẽ được trả lương.
Trường hợp người lao động không trở lại làm việc thì không được trả lương, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Tùy theo mức độ vi phạm, người lao động bị xử lý kỷ luật theo quy định của nội quy lao động và quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 113 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
(6) Tiếp tục đình công sau khi hết thời gian ngừng đình công
Khi hết thời hạn ngừng đình công theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hai bên không thương lượng giải quyết được quyền lợi của người lao động và các bất đồng khác có liên quan thì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có thể tiếp tục tổ chức đình công.
Lưu ý: phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tiếp tục đình công.
(Căn cứ khoản 2 Điều 112 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Người lao động tham gia đình công khi đã có quyết định ngừng đình công bị xử lý ra sao?
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp lao động
1. Phạt cảnh cáo đối với người lao động có hành vi tham gia đình công sau khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
...
Theo quy định này, người lao động tham gia đình công khi đã có quyết định ngừng đình công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là quyết định ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thì sẽ bị áp dụng hình thức xử lý là phạt cảnh cáo.