Cán bộ có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời thì xử lý như thế nào?
Hành vi nào của cán bộ được xem là hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, cụ thể như sau:
Các hành vi bị xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
2. Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
c) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Theo đó, nếu cán bộ có một trong các hành vi nêu trên thì cán bộ sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm theo quy định.
Cán bộ có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời thì xử lý như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Chủ thể nào có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ được quy định như sau:
- Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
- Đối với các chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.
Cán bộ có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời thì xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật, cụ thể:
Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
1. Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.
2. Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức.
3. Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.
4. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.
Đối chiếu với quy định cũ tại Điều 4 Nghị định 35/2005/NĐ-CP (có hiệu lực từ 06/04/2005 - 20/09/2020) quy định về những trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật, cụ thể:
Những trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật quy định tại Nghị định này
1. Vi phạm pháp luật trong trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2. Phải thi hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
3. Vi phạm kỷ luật trong tình thế bất khả kháng trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và được cấp có thẩm quyền xác nhận.
Theo đó, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã kế thừa các quy định cũ tại Nghị định 35/2005/NĐ-CP, bên cạnh đó bổ sung một số trường hợp cán bộ được miễn trách nhiệm kỷ luật, cụ thể như sau:
- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ (trước đây quy định là trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ; với viên chức là trong tình thế bất khả kháng khi thực hiện công việc, nhiệm vụ);
- Cán bộ có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.
Như vậy, kể từ ngày 20/09/2020 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực đã có quy định về việc cán bộ có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời thì thuộc trường hợp không áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định.