Các câu hỏi phỏng vấn tìm việc thường gặp và cách trả lời?
Việc chuẩn bị trước câu trả lời phỏng vấn mang lại lợi ích gì?
- Tạo tâm thế tự tin trước buổi phỏng vấn: khi bạn đã có sự chuẩn bị trước, bạn sẽ luôn có phong thái tự tin với mọi câu hỏi của nhà tuyển dụng. Điều này cho thấy bạn là một người có thái độ làm việc tốt, chuyên nghiệp.
- Trả lời câu hỏi tuyển dụng một cách lưu loát, tự tin: nếu như bạn đã có sự chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ có thể trả lời lưu loát nhà tuyển dụng đặt ra. Đây là một yếu tố lớn để nhà tuyển dụng đánh giá cao về bạn.
- Ghi điểm với nhà tuyển dụng: với một người luôn có thần thái tự tin, bản lĩnh thì chắc chắn nhà tuyển dụng nào cũng thích. Từ đó bạn sẽ có cơ hội cao hơn để chiếm được vị trí mà họ tuyển dụng.
Các câu hỏi phỏng vấn tìm việc thường gặp và cách trả lời? (Hình từ Internet)
Các câu hỏi phỏng vấn tìm việc thường gặp và cách trả lời?
(1) Giới thiệu về bản thân
Đây là câu hỏi đầu tiên bạn sẽ gặp trong mọi buổi phỏng vấn. Với câu hỏi phỏng vấn này bạn nên trả lời ngắn gọn, trung thực và khiêm tốn. Cố gắng làm nổi bật những thành tích bạn đạt được trong học tập và công việc. Đồng thời bạn cần đảm bảo những thông tin được nhắc đến có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
(2) Nêu điểm mạnh và điểm yếu
Điểm mạnh và điểm yếu là những thuộc tính, kỹ năng, khả năng hoặc thói quen của bản thân, có thể giúp hoặc cản trở bạn trong công việc và cuộc sống. Điểm mạnh là những thế mạnh, những điểm nổi trội của bản thân, giúp bạn cảm thấy tự tin, ảnh hưởng và đạt được mục tiêu. Điểm yếu là những điểm không tốt, những hạn chế, thiếu sót mà bản thân cần khắc phục và cải thiện để hoàn thiện bản thân. Điểm yếu có thể làm bạn mất cơ hội, gây khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp và hạnh phúc của bạn.
Bạn nên chọn những điểm mạnh và điểm yếu liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, trình bày một cách trung thực, khách quan và khéo léo, nêu rõ những ví dụ cụ thể và những biện pháp mà bạn đang áp dụng để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu.
(3) Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
Các mục tiêu của bạn cần tập trung vào công việc bạn đang ứng tuyển và mục tiêu này nên mang lại giá trị chung cho công ty.
Bạn nên bắt đầu từ mục tiêu ngắn hạn sau đó mới nói đến mục tiêu dài hạn. Hãy trình bày các bước để tiến dần tới mục tiêu đó để người tuyển dụng đánh giá được mức độ phù hợp giữa mục tiêu của bạn với công ty họ.
Đồng thời trong câu trả lời bạn nên tập trung vào thành tích sẽ đạt được thay vì những gì bạn nhận được (lương thưởng hoặc quyền lợi nào đó). Cố gắng tập trung vào các mục tiêu tổng quát, đừng quá cụ thể. Bởi vì điều này giúp bạn linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phù hợp với công ty và công việc đang ứng tuyển.
(4) Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?
Có rất nhiều lý do khiến bạn nghỉ việc. Đó có thể là không thích môi trường làm việc, không có cơ hội phát triển, công việc không phù hợp hoặc là vì một lý do cá nhân nào đó. Tuy nhiên, bất kể lý do đó là gì, bạn cũng nên trả lời một cách trung thực nhưng phải hướng tới điều tích cực và mục tiêu phát triển trong tương lai.
Đặc biệt khi trả lời câu hỏi phỏng vấn về lý do nghỉ việc, bạn cần tránh nói xấu hay than phiền về sếp, đồng nghiệp và công ty cũ. Ngoài ra bạn cũng đừng nói đến những vấn đề nhạy cảm như lương thấp, chính sách không tốt, hoặc sếp không tăng lương cho bạn.
(5) Lý do bạn chọn công ty chúng tôi là gì?
Bạn cần thể hiện sự hiểu biết về công ty, sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh của họ. Bạn cũng nên chú ý đến văn hóa doanh nghiệp bởi nhiều nhà tuyển dụng rất tự hào về văn hóa của họ và họ đặc biệt coi trọng yếu tố phù hợp văn hóa của ứng viên.
(6) Mức lương mong muốn?
Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi phỏng vấn này là muốn bạn tự đánh giá năng lực của bản thân. Đồng thời dựa trên câu trả lời của bạn họ sẽ đánh giá được tham vọng và mục tiêu sự nghiệp của bạn.
Cách trả lời thông minh là bạn hãy chuyển hướng câu hỏi để có thêm thời gian suy nghĩ, trước khi đưa ra mức lương mong muốn. Bạn có thể hỏi thêm về công việc hoặc đề nghị nhà tuyển dụng đưa ra mức lương và chế độ phúc lợi của công ty họ trước.
Còn một điểm khác bạn cũng cần chú ý là đừng nên đưa ra con số cụ thể. Thay vào đó hãy đưa ra mức lương nằm trong khoảng bao nhiêu.
(7) Vì sao chúng tôi lại phải chọn bạn?
Với câu hỏi phỏng vấn này nhà tuyển dụng muốn biết trình độ của bạn như thế nào, bạn có phải người phù hợp với yêu cầu công việc họ đang tuyển hay không.
Vì vậy đây là lúc bạn cần “giới thiệu” một cách thuyết phục và quả quyết những giá trị và lợi ích bạn có thể mang lại cho công ty họ. Bạn không nên nói về những gì mình muốn mà hãy trình bày những thành tích bạn đã đạt được. Đây chính là lý do thuyết phục nhất cho thấy sự phù hợp của bạn với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
(8) Bạn nghĩ mình sẽ gắn bó bao lâu với công ty chúng tôi?
Mục đích chính của nhà tuyển dụng đối với câu hỏi phỏng vấn này là họ muốn biết bạn có thể làm việc ngay hay không và bạn có định làm việc lâu dài tại công ty họ hay không. Đồng thời họ cũng muốn tìm hiểu mục tiêu ngắn và dài hạn của bạn là gì để biết có nên tuyển dụng bạn hay không.
Cách trả lời tốt nhất là bạn không nên đưa ra con số cụ thể. Thay vào đó, hãy chia sẻ với họ những kế hoạch dài hạn bạn sẽ thực hiện tại công ty họ. Hãy nói với họ bạn thích những thử thách mà công việc này mang lại nên bạn mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty. Bạn cũng có thể nói rằng bạn không phải người thích “nhảy việc”. Nếu từng làm tại công ty nào 5-7 năm hãy chia sẻ với họ để nâng cao độ tin cậy cho câu trả lời của bạn.
(9) Bạn mong muốn môi trường làm việc mới như thế nào?
Nhiều nhà tuyển dụng nói rằng, đây là câu hỏi phỏng vấn tốt nhất để biết được ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty và yêu cầu công việc hay không.
Để có câu trả lời hay nhất bạn nên tìm hiểu về nhà tuyển dụng trước buổi phỏng vấn. Làm như vậy không có nghĩa là bạn áp đặt những thông tin đó vào kỳ vọng của bản thân. Mà đây là cách giúp bạn đánh giá xem mình có phù hợp với văn hóa công ty hay không.
Bạn có thể tìm kiếm thông tin qua website của nhà tuyển dụng hoặc qua những người bạn quen biết. Nếu không tìm được, bạn có thể hỏi trực tiếp người phỏng vấn. Dựa trên những gì họ nói bạn hãy xác định mức độ phù hợp với văn hóa công ty và đưa ra câu trả lời thích hợp nhất.
Đỗ Văn Minh