Cách xuống dòng trong 1 ô Excel? Yêu cầu trình độ tin học văn phòng như thế nào trong tuyển dụng lao động?
Cách xuống dòng trong 1 ô Excel?
Khi sử dụng Microsoft Word bạn thường xuống dòng bằng cách nhấn phím Enter, tuy nhiên khi sử dụng Microsoft Excel bạn không thể xuống dòng trong ô bằng cách nhấn Enter. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách xuống dòng trong Excel đơn giản nhất bằng một vài cách sau đây:
(1) Sử dụng phím tắt Alt + Enter
Với tổ hợp phím Alt + Enter, bạn sẽ có thể ngắt dòng ngay vị trí bạn mong muốn bằng việc đặt con trỏ chuột tại vị trí cần ngắt đó rồi bấm tổ hợp phím Alt + Enter.
(2) Sử dụng Wrap Text
Với cách này bạn có thể xuống dòng tự động và nhanh chóng. Nếu bạn cần xuống dòng nhiều thì dùng Wrap Text là nhanh nhất.
Bước 1: Người dùng chọn ô cần ngắt dòng.
Bước 2: Trong tab Home, bấm chọn Wrap Text trong Alignment, ô các bạn chọn ở bước 1 sẽ được tự động xuống dòng.
(3) Sử dụng hàm tự xuống dòng trong Excel
Nếu bạn cần xuống dòng hàng loạt sau một ký tự nào đó, sử dụng hàm sẽ giúp bạn xuống dòng đồng loạt tại các ô mong muốn. Thao tác thực hiện như sau:
Bước 1: Bôi đen toàn bộ các ô Excel mà bạn muốn xuống dòng sau cùng 1 ký tự.
Bước 2: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + H để mở hộp thoại Find & Select. Tại đây, nhập như sau:
- Mục Find What: nhập ký tự đang muốn tìm kiếm
- Mục Replace with: nhấn tổ hợp Ctrl + J để thêm dấu xuống dòng trong Excel
Sau đó nhấn Replace All để hệ thống tiến hành thay thế tất cả dấu phẩy trong Excel thành ngắt xuống dòng
Ví dụ, bạn đang muốn tìm dấu phẩy ngăn cách giữa tên người và chức danh của họ. Bạn nhập dấu "," tại ô Find What và thực hiện các thao tác còn lại như trên.
Cách xuống dòng trong 1 ô Excel? Yêu cầu trình độ tin học văn phòng như thế nào trong tuyển dụng lao động? (Hình từ Internet)
Yêu cầu trình độ tin học văn phòng như thế nào trong tuyển dụng lao động?
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tuyển dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
...
Theo đó, người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
Không phải công việc nào cũng yêu cầu trình độ tin học văn phòng như nhau mà tùy theo nhu cầu, mục đích và tính chất công việc mà người sử dụng lao động sẽ có những yêu cầu về trình độ tin học văn phòng phù hợp với vị trí công việc mà họ muốn tuyển dụng.
Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng thì bị phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tuyển dụng lao động
...
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động không được thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về tuyển dụng lao động như sau:
Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;
b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;
d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;
b) Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;
d) Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, người sử dụng lao động thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu - 3 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm) hoặc từ 2 triệu - 6 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm).
Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu.