Các ngày nghỉ lễ trong năm 2024? Cách tính lương làm thêm giờ của NLĐ vào ngày nghỉ lễ tết như thế nào?
Các ngày nghỉ lễ trong năm 2024?
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
...
Trên đây là tập hợp các ngày nghỉ lễ trong năm 2024. Người lao động có 6 dịp lễ, được nghỉ nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương với tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ trong năm 2024 (hoặc 13 ngày nghỉ đối với NLĐ nước ngoài), cụ thể như sau:
(1) Tết Dương lịch năm 2024
Người lao động được nghỉ 01 ngày (Ngày 01/01/2024)
Ngày 01/01/2024 rơi vào ngày thứ hai và là ngày làm việc trong tuần nên người lao động chỉ được nghỉ ngày 01/01 và không được nghỉ bù.
Tuy nhiên, nếu tính cả ngày nghỉ cuối thì thì Tết Dương lịch năm 2024 người lao động được nghỉ 02 ngày (Đối với người làm việc thứ 7) và 03 ngày (Đối với người không làm việc thứ 7)
(2) Tết Âm lịch 2024
Ngày 22/11/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 5015/TB-LĐTBXH năm 2023 về nghỉ tết Âm lịch của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ tết Âm lịch 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Lưu ý: Đợt nghỉ này bao gồm 05 ngày nghỉ tết Âm lịch và 02 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần.
- Người lao động không thuộc trường hợp trên thì người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ tết Âm lịch như sau:
+ Lựa chọn 01 ngày cuối năm Quý Mão (2023) và 04 ngày đầu năm Giáp Thìn (2024) hoặc;
+ 02 ngày cuối năm Quý Mão (2023) và 03 ngày đầu năm Giáp Thìn (2024) hoặc;
+ 03 ngày cuối năm Quý Mão (2023) và 02 ngày đầu năm Giáp Thìn (2024)
Riêng đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc của nước họ.
(3) Ngày Chiến thắng (30/4/2024)
Ngày 30/4/2024, người lao động được nghỉ 01 ngày rơi vào ngày thứ Ba và là ngày làm việc trong tuần nên người lao động sẽ không được nghỉ bù.
(4) Ngày Quốc tế lao động (01/5/2024)
Ngày 01/5/2024, người lao động được ngủ 01 ngày rơi vào ngày thứ tư và là ngày làm việc trong tuần nên người lao động sẽ không được nghỉ bù.
(5) Lễ Quốc khánh (02/9/2024)
Thông báo 5015/TB-LĐTBXH năm 2023 về nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như sau:
- Công chức, viên chức nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 từ thứ Bảy ngày 31/8/2024 đến hết thứ Ba ngày 03/9/2024 Dương lịch.
- Đợt nghỉ này bao gồm 02 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 02 ngày nghỉ hằng tuần.
Riêng đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn được nghỉ thêm 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
(6) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3/2024 Âm lịch)
Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 01 ngày.
Ngày 10/3/02024 Âm lịch rơi vào thứ Năm ngày 18/4/2024 là ngày làm việc trong tuần của người lao động nên người lao động được nghỉ 01 ngày là thứ Năm ngày 18/4/2024 (tức ngày 10/3 Âm lịch).
Các ngày nghỉ lễ trong năm 2024? Cách tính lương làm thêm giờ của NLĐ vào ngày nghỉ lễ tết như thế nào?
Cách tính lương làm thêm giờ của NLĐ vào ngày nghỉ lễ tết như thế nào?
Trong trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận làm việc vào ngày nghỉ lễ tết thì lương làm thêm giờ sẽ được tính căn cứ theo Điều 98 Bộ luật lao động 2019 và Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Lương làm thêm giờ ngày lễ tết sẽ có sự phân biệt giữa giờ làm ban ngày và giờ làm ban đêm.
Cụ thể, công thức tính lương làm thêm giờ đối với ngày lễ tết như sau:
(1) Trường hợp làm thêm giờ vào ban ngày
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương) đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian:
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ tết = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm x Số giờ làm thêm
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ tết = Đơn giá tiền lương SP của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% so với đơn giá tiền lương SP x Số SP làm thêm
(2) Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Ngoài ra, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc của ngày nghỉ lễ, tết.
- Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ tết vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% + Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% + 20% x Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số giờ làm thêm vào ban đêm
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ tết vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% x Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% + 20% x Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm
Có thể thấy lương làm thêm giờ của người lao động vào ngày nghỉ lễ tết là rất cao so với lương của ngày làm việc thông thường. Người lao động làm việc trong ngày lễ, tết lưu ý để không bị thua thiệt trong quá trình thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Lưu ý, tiền lương trên chưa tính tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định.
Số giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ của người lao động tối đa là bao nhiêu giờ?
Tại khoản 4 Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Giới hạn số giờ làm thêm
...
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
...
Như vậy, khi người lao động làm thêm giờ vào các ngày nghỉ lễ thì tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày.