Bảo mẫu là gì? Mức thu nhập của nghề bảo mẫu hiện nay là bao nhiêu?
Bảo mẫu là gì? Mức thu nhập của nghề bảo mẫu hiện nay là bao nhiêu?
Bảo mẫu là một nghề nghiệp trong xã hội, trong đó các cá nhân (thường là trẻ và là nữ giới) chăm sóc, trông nom và đảm bảo cho trẻ nhỏ trong trường hợp có hoặc không có sự giám sát của cha mẹ. Bảo mẫu có thể làm việc tại các đơn vị trông giữ trẻ hoặc được các gia đình thuê riêng về chăm sóc riêng cho con em mình.
Không giống như các vị trí giáo viên mầm non, các công việc bảo mẫu hiện nay vẫn chưa được pháp luật bảo vệ và chưa có quy định cụ thể nào trong các văn bản pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc các quyền lợi, nghĩa vụ, chính sách lương hay các lợi ích khác của người bảo mẫu thường không được đảm bảo chắc chắn.
Mức thu nhập của nghề bảo mẫu có thể khác nhau tùy theo vị trí làm việc, trình độ và kinh nghiệm của từng cá nhân, mức thu nhập có thể như sau:
- Mức thu nhập hàng giờ: Mức thu nhập của bảo mẫu có thể được tính theo giờ làm việc. Trung bình, mức thu nhập hàng giờ cho bảo mẫu tại Việt Nam có thể dao động từ khoảng 30.000 - 60.000 VNĐ/h.
- Mức thu nhập hàng tháng: Nếu tính lương theo tháng, mức lương trung bình cho bảo mẫu tại Việt Nam có thể nằm trong khoảng từ 5.000.000 - 15.000.000 VNĐ/tháng, tùy thuộc vào khu vực, quy mô cơ sở và yêu cầu công việc cụ thể.
Lưu ý: Đây chỉ là mức thu nhập ước lượng và có thể thay đổi trong từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, các yếu tố khác như vị trí làm việc (công viên, nhà trẻ, gia đình), trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm cũng sẽ ảnh hưởng đến mức lương của bảo mẫu.
Bảo mẫu là gì? Mức thu nhập của nghề bảo mẫu hiện nay là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tính mức lương cơ bản cho người lao động như thế nào?
Lương cơ bản có thể hiểu là mức lương tối thiểu người lao động nhận được, nên mức lương cơ bản đối với khối doanh nghiệp và khối Nhà nước cũng có sự khác biệt.
Do đó, lương cơ bản hiện nay sẽ được chia ra thành 02 nhóm đối tượng như sau:
* Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho các doanh nghiệp, cá nhân:
Lương cơ bản của người lao động làm việc trong doanh nghiệp được xác định theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình tại khu vực mà họ sinh sống, làm việc.
Trong khi đó, lương cơ bản là lương trong hợp đồng lao động và do các bên thỏa thuận với nhau. Chính vì thế, lương cơ bản sẽ có mức thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
+ Vùng 1: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ.
+ Vùng 2: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 20.000 đồng/giờ.
+ Vùng 3: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.640.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 17.500 đồng/giờ.
+ Vùng 4: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.250.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 15.600 đồng/giờ.
* Đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước:
Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức chính là tích của lương cơ sở và hệ số lương theo công thức sau:
Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương
Năm 2023, mức lương cơ sở có sự điều chỉnh tại thời điểm 01/7/2023, nên mức lương cơ bản cũng sẽ được điều chỉnh tăng:
Trước 01/7/2023: Mức lương cơ bản = 1,49 triệu đồng/tháng x hệ số lương (Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Từ 01/7/2023: Mức lương cơ bản = 1,8 triệu đồng/tháng x hệ số lương (Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
Lương cơ bản của người lao động có được dùng để đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Căn cứ Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
Theo quy định trên, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức sẽ là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho cá nhân, doanh nghiệp sẽ là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, lương cơ bản sẽ không bao gồm các khoản phụ cấp, hỗ trợ. Do đó, lương cơ bản không phải là lương dùng để đóng bảo hiểm xã hội.