Ai có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm cho người lao động?
Ai có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm cho người lao động?
Căn cứ Điều 9 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Việc làm, giải quyết việc làm
1. Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm.
2. Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.
Theo đó, Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.
Ai có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm cho người lao động? (Hình từ Internet)
Để giải quyết việc làm cho người thất nghiệp Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ gì?
Như đã phân tích tại Điều 9 Bộ luật Lao động 2019 nêu trên, Nhà nước có trách nhiệm trong việc giải quyết việc làm nên đã có những chính sách giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ đối người lao động như sau:
Căn cứ theo Điều 10 Luật Việc làm 2013, Nhà nước hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo việc làm:
Tín dụng ưu đãi tạo việc làm
Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
Chính sách này áp dụng đối với các đối tượng tại Điều 12 Luật Việc làm 2013 như sau:
Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
1. Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh;
b) Người lao động.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;
b) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.
Đồng thời, để được hưởng chính sách giải quyết việc làm này, các đối tượng nêu trên cần đáp ứng điều kiện tại Điều 13 Luật Việc làm 2013 như sau:
Điều kiện vay vốn
1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;
b) Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;
c) Có bảo đảm tiền vay.
2. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;
c) Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
3. Chính phủ quy định mức vay, thời hạn, lãi suất cho vay, trình tự, thủ tục vay vốn và điều kiện bảo đảm tiền vay.
Như vậy, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm.
Ngoài ra, còn có các chính sách khác nhằm tạo điều kiện việc làm cho người lao động như:
- Chính sách việc làm công (Mục 3 Luật Việc làm 2013)
- Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 20 Luật Việc làm 2013)
- Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (Điều 21 Luật Việc làm 2013)
- Hỗ trợ phát triển thị trường lao động (Điều 22 Luật Việc làm 2013)
- Hỗ trợ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (Điều 42 Luật Việc làm 2013)
- Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn (Mục 2 Chương II Luật Việc làm 2013).
Hành vi nào bị cấm trong việc làm?
Căn cứ Điều 9 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
2. Xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
3. Tuyển dụng, sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật.
4. Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
5. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện chính sách về việc làm.
6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Theo đó, có 06 hành vi bị nghiêm cấm trong môi trường việc làm, giải quyết việc làm, cụ thể:
- Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
- Xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
- Tuyển dụng, sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật.
- Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện chính sách về việc làm.
- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.