Ai có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung hợp đồng lao động?
Ai có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung hợp đồng lao động?
Tại khoản 1 Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
...
Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, cả người sử dụng lao động và người lao động đều có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung hợp đồng lao động.
Nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi.
Ai có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung hợp đồng lao động? (Hình từ Internet)
Sửa đổi nội dung hợp đồng lao động như thế nào?
Tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
...
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu muốn sửa đổi nội dung hợp đồng lao động thì phải gửi yêu cầu cho bên còn lại trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Trường hợp hai bên thống nhất được việc sửa đổi nội dung hợp đồng lao động thì hai bên sẽ thực hiện theo các thỏa thuận đã đạt được ghi trong phụ lục hoặc theo hợp đồng lao động mới. Yêu cầu đặt ra là những thỏa thuận này không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và thỏa ước lao động tập thể hợp pháp (nếu có).
Trường hợp kết quả thỏa thuận của các bên có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội và thỏa ước lao động tập thể hợp pháp thì nội dung này không có hiệu lực thi hành, các bên phải thực hiện các nội dung tương ứng trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Trường hợp hai bên không thống nhất được việc sửa đổi nội dung hợp đồng lao động thì hai bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ sẽ có thể phát sinh những xung đột và tranh chấp về lợi ích do bất đồng giữa hai bên. Trong trường hợp này sẽ phát sinh ra yêu cầu giải quyết tranh. Khi đó, những tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết theo quy định về giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2019 và pháp luật có liên quan.
Người lao động phải làm gì khi muốn sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động đã ký kết?
Theo quy định pháp luật hiện nay không cho phép việc ký kết phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động, vậy người sử dụng lao động và người lao động muốn sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động thì phải giao kết hợp đồng lao động mới.
Tại điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Như vậy, cần lưu ý trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, nếu muốn sửa đổi thời hạn hợp đồng lần tiếp theo thì phải ký hợp đồng không xác định thời hạn.