Khi ly hôn, có quyền yêu cầu tòa xác minh "quỹ đen" của vợ?
Khi ly hôn mỗi cặp vợ chồng đều phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Ly hôn là việc bất đắc dĩ xảy ra khi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, quan điểm, tư duy không còn đồng điệu. Không chỉ vậy, khi đã xác định đường ai nấy đi thì việc phân chia tài sản cũng là một vấn đề lớn, đa phần nhiều cặp vợ chồng lựa chọn phương thức thỏa thuận, đến khi không thỏa thuận được thì mới yêu cầu tòa án giải quyết. Và trong những tình huống như vậy đa phần là gặp rất nhiều vướng mắc, do không có tiếng nói chung, do mâu thuẫn kéo dài…đặc biệt vấn đề kê khai tài sản, người khai nhiều, người khai ít, mỗi người khai một kiểu…Vậy trên thực tế việc xác minh tài sản khi ly hôn, trách nhiệm thuộc về ai, có yêu cầu tòa xác minh được hay không?
Khi ly hôn, có quyền yêu cầu Tòa án xác minh "quỹ đen" của vợ không?
Có thể thấy tài sản chung được hình thành từ nhiều nguồn do vợ chồng cùng đóng góp. Nếu không minh bạch ngay từ đầu, đến khi trở thành một khối tài sản khổng lồ thì không thể kiểm soát được. Việc công khai minh bạch tài sản chung là điều cần thiết, thể hiện sự tôn trọng chứ không phải là thiếu tin tưởng nhau. Tuy nhiên một khi cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi.
Kéo nhau ra tòa, nhiều người mới tiếc vì trước đây đã quá vô tư, không biết bạn đời đã lấy phần tài sản, thu nhập của gia đình để cho người khác mượn, gửi hoặc đầu tư nơi nào. Vì vậy nhiều cặp vợ chồng không thể xác minh tài sản khi ly hôn, không biết được thực chất tài sản chung gồm những gì, ai cũng có công việc và thu nhập riêng, dư dả trong cuộc sống và không quan tâm đến việc quản lý hầu bao của nhau, thậm chí thu nhập lỗ hay lãi trong kinh doanh của người này người kia cũng không nắm được.
Trong khi đó có khi chồng hay vợ còn có của chìm của nổi riêng mà không thể tính toán…Đến khi ly hôn bên nào bên nấy chỉ muốn mang phần nợ ra để chia chung chứ quỹ đen, sổ tiết kiệm tên mình thì chỉ tính giấu đi làm của riêng…hoặc lý do đơn giản chỉ là tích càng nhiều càng tốt để lo cho con cuộc sống tốt nhất sau khi chia tay.
Vậy những hộp đen đó có thể mở được không và mở như thế nào?
Quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu rõ “Tài sản chung của vợ chồng”:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung được chia theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng, nếu không thỏa thuận được thì tài sản được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo đó, ra tòa ly hôn, chia tài sản, nghĩa vụ chứng minh tài sản thuộc về các đương sự. Tuy nhiên, khi nghi ngờ đối phương đang che giấu tài khoản ngân hàng, phần góp vốn trong các công ty hay những khoản khác, vợ/chồng có thể nhờ tòa án xác minh tài sản để đưa tài sản đó vào khối tài sản chung và phân chia. Nếu có yêu cầu, tùy trường hợp, tùy từng tình huống và điều kiện cụ thể, tòa án cân nhắc việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ra quyết định cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật