Những người nào phải mua bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Những người nào phải mua bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Đối tượng tham gia

Người lao động là công dân Việt Nam, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định về cán bộ, công chức; công nhân quốc phòng, công an nhân dân; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân và hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm bắt buộc; người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động, làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị , tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Quyền và trách nhiệm của người lao động

Quyền: Được cấp sổ bảo hiểm xã hội; nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc; nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời; hưởng bảo hiểm y tế khi nghỉ hưu, nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hàng tháng; ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và có quyền khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội. Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được miễn thuế.

Trách nhiệm: Đóng đầy đủ, kịp thời bảo hiểm xã hội theo quy định; lập hồ sơ bảo hiểm xã hội; bảo quản sổ bảo hiểm xã hội và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động

Quyền: Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định về bảo hiểm xã hội; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm: Người sử dụng lao động phải đăng ký đầy đủ số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đóng đầy đủ số tiền bảo hiểm xã hội cho số lao động của đơn vị và hàng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội cùng với phần đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động theo quy định; bảo quản sổ bảo hiểm xã hội; trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi không còn làm việc; lập hồ sơ để cấp sổ và hưởng bảo hiểm xã hội; trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động; giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động để được hưởng bảo hiểm xã hội; cung cấp tài liệu, thông tin khi có yêu cầu.

Quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội

Quyền: Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội không đúng quy định; kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội và từ chối những khoản đóng bảo hiểm xã hội không đúng quy định; chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội; kiến nghị trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; quản lý quỹ bảo hiểm xã hội.

Trách nhiệm: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện cấp sổ bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm xã hội, giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội.

Quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội: Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng quyền lợi theo các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất (người lao động thuộc lực lượng vũ trang có quy định riêng).

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào