Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
- Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
- Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
- Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
- Cơ quan nào được giao tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023?
Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
Tại khoản 3.5 Điều 3 Nghị quyết 68/2022/QH15 quy định phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:
Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023:
Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên
Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị; các dự án đường cao tốc, đường vành đai đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; nghiên cứu, thực hiện nâng cấp mở rộng và khai thác lưỡng dụng một số sân bay theo phương thức đối tác công tư.
Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sau khi được phê duyệt. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1... Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ; bảo đảm lợi ích của người dân trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự. Phát triển mạnh hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, sớm hoàn thành việc phủ sóng viễn thông, kết nối internet trên địa bàn cả nước; xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng; khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng, phát triển nhanh ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam. Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc khai thác, sử dụng nước ngầm; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng. Triển khai đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng ở một số vùng trọng điểm, tập trung thực hiện nhiệm vụ theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; ứng phó kịp thời với thiên tai, hạn hán, lũ lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.
Việc phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sẽ phải thực hiện theo các kế hoạch trên.
Phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Hình từ Internet)
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
Tại khoản 3.7 Điều 3 Nghị quyết 68/2022/QH15 quy định chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị. Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Quan tâm hơn việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị thuần phong, mỹ tục, nhất là trên không gian mạng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022 - 2030; Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa số, thị trường văn hóa lành mạnh; phát triển công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao; chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất sẵn sàng tham dự các đại hội thể thao quốc tế.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ năm 2022 trở về trước. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật còn bất cập liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh để giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn. Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách về lao động, tiền lương và quan hệ lao động; triển khai các chính sách giải quyết việc làm, nhà ở cho công nhân; tập trung thực hiện Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp, trợ giúp xã hội. Nghiên cứu, phân tích và đánh giá hiện tượng một bộ phận lao động chưa quay lại thị trường lao động sau dịch COVID-19 để có giải pháp phù hợp.
Đẩy nhanh việc triển khai hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của 03 Chương trình đã đề ra, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Có giải pháp nâng cao trình độ dân trí, giải quyết việc làm và tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để phát triển trẻ em toàn diện; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho thanh, thiếu niên; chăm lo và phát huy vai trò người cao tuổi; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vào lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW Bộ Chính trị. Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như thế nào?
Tại khoản 3.9 Điều 3 Nghị quyết 68/2022/QH15 quy định triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023. Làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế. Triển khai hiệu quả Kế hoạch Việt Nam đăng cai các hội nghị đa phương cấp cao đến năm 2030; củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; đảm nhiệm tốt vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và các đối tác vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng sông Mê Công. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tham gia hiệu quả, có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tăng cường công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa, ngoại giao Nhân dân.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế là nhiệm vụ trong năm 2023.
Cơ quan nào được giao tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023?
Tại Điều 4 Nghị quyết 68/2022/QH15 quy định tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:
Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Cơ quan được giao tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân