Chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng về chi phí quản lý như thế nào?
1. Chi phí quản lý chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng?
Tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 44/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 05/09/2022) quy định chi phí quản lý chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như sau:
1. Ngân sách trung ương đảm bảo chi phí quản lý để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về quản lý đối tượng, hồ sơ, quản lý tài chính, kế toán và tổ chức thực hiện chi trả.
Mức chi phí quản lý bằng 1,7% tổng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) và được bố trí trong dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hang năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó chi phí phục vụ chi trả chế độ đến người thụ hưởng tối đa bằng 0,75% tổng số kinh phí chi trả chế độ của toàn ngành. Bộ trưởng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phân bổ tỷ lệ chi phí quản lý và tỷ lệ chi phí phục vụ chi trả chế độ phù hợp với đặc thù của từng địa phương, bảo đảm trong phạm vi dự toán được giao cho công tác quản lý của toàn ngành.
2. Nội dung và mức chi phí quản lý chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng?
Theo Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 Thông tư 44/2022/TT-BTC (Có hiệu lực từ 05/09/2022) quy định nội dung và mức chi phí quản lý chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, cụ thể như sau:
2. Nội dung và mức chi phí quản lý;
a) Chi phổ biến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;
b) Chi thông tin, tuyên truyền về chính sách, công tác quản lý, chăm sóc người có công với cách mạng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;
c) Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý tài chính, quản lý hồ sơ, đối tượng, chi trả chế độ ưu đãi, công tác mộ liệt sĩ: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
d) Chi văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo, mua sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý: Mức chi thanh toán theo thực tế trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Chi phí chuyển tiền cho người thụ hưởng chính sách, cho cơ quan dịch vụ chi trả, chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng; chi phí vận chuyển tiền mặt; chi phí thuê địa điểm chi trả, lực lượng bảo vệ, nước uống cho người thụ hưởng tại các điểm chi trả: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ, hợp đồng (trong trường hợp thuê dịch vụ) và trong phạm vi dự toán được giao;
c) Chi trả thù lao cho người trực tiếp chi trả trợ cấp đến người thụ hưởng (đối với trường hợp cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được cấp có thẩm quyền giao thực hiện chi trả): Mức chi trả thù lao cho người trực tiếp chi trả trợ cấp do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
g) Chi thuê tổ chức dịch vụ chi trả trợ cấp cho người thụ hưởng:
- Mức chi phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người thụ hưởng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định tùy theo điều kiện địa bàn và thực tế số lượng đối tượng của từng địa phương;
- Tổ chức dịch vụ chi trả tự quyết định và chịu trách nhiệm về chi phí cho việc: Mua sắm két sắt, máy đếm tiền, bao gói đựng tiền, máy phát số thứ tự (nếu có); thuê phương tiện vận chuyển tiền, địa điểm chi trả, lực lượng bảo vệ; chi phí chuyển tiền, chi phí gửi tiền qua đêm, phí rút tiền mặt, phí dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản của người thụ hưởng; chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng; thù lao cho việc chi trả; chi nước uống tại các điểm chi trả; chi phí bảo quản, lưu trữ danh sách chi trả; sửa chữa cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị tại các điểm chi trả; phí quản lý hệ thống; phí thuê hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc chi trả và các chi phí khác;
- Tổ chức dịch vụ chi trả chịu trách nhiệm chi trả đủ số tiền trợ cấp, phụ cấp đến đối tượng thụ hưởng theo đúng thời gian quy định. Đối với kinh phí đã giao cho tổ chức dịch vụ để chi trả cho đối tượng, trường hợp để xảy ra mất, thất thoát tiền trợ cấp của đối tượng thụ hưởng thì tổ chức dịch vụ chi trả chịu trách nhiệm bồi hoàn 100% số tiền mất, thất thoát;
h) Chi xét duyệt, thẩm định, điều chỉnh hồ sơ người có công: Mức hỗ trợ tối đa 60.000 đồng/hồ sơ. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và dự toán được giao, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức hỗ trợ và phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị tham gia xét duyệt, thẩm định, điều chỉnh hồ sơ;
i) Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm về tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC);
k) Chi hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; lập dự toán, xét duyệt, thẩm định quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công; chi công tác phí thẩm định, thực chứng, giải quyết hồ sơ người có công: Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC;
l) Chi làm đêm, thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức;
m) Chi xăng dầu, thông tin liên lạc phục vụ công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công: Mức chi thực hiện theo hóa đơn, chứng từ, hợp đồng (trong trường hợp giao khoán công việc và thuê dịch vụ);
n) Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng, quản lý kinh phí: Thực hiện theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
o) Chi phí giám định tài liệu kỹ thuật hình sự hồ sơ người có công: Mức chi theo hóa đơn của cơ sở giám định;
p) Chi thuê mướn, hợp đồng giao khoán công việc và chi khác phục vụ công tác quản lý: Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp giao khoán công việc và thuê dịch vụ);
q) Chi đón tiếp người có công với cách mạng: Mức chi theo mức chi tiếp khách trong nước quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
3. Chi công tác quản lý tại Trung ương theo các nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này được phân bổ, sử dụng và quyết toán trong chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Đối với chi phí quản lý thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp một lần đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến theo các Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, số 142/2008/QĐ-TTg, số 53/2010/QĐ-TTg, số 62/2011/QĐ-TTg và số 57/2013/QĐ-TTg:
Thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư liên tịch: số 21/2008/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC; số 144/2008/TTLT-BQP-BTĐTBXH-BTC ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; số 05/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 8 tháng 11 năm 2010 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg; số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài