Việc cấp thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế đối với người tham gia BHYT điều trị nội trú được hướng dẫn như nào?
Hướng dẫn cấp thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế đối với người tham gia BHYT điều trị nội trú
Căn cứ Điều 6 Thông tư 36/2021/TT-BYT hướng dẫn việc cấp thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế đối với người tham gia bảo hiểm y tế điều trị nội trú như sau:
Trường hợp người bệnh đang điều trị ngoại trú bằng thuốc chống lao mà phải vào điều trị nội trú các bệnh liên quan đến lao hoặc các bệnh không liên quan đến lao, trong quá trình điều trị nội trú hết thuốc hoặc không sẵn có thuốc chống lao thì được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong một số trường hợp sau đây:
- Trường hợp khoa điều trị nội trú cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị ngoại trú lao:
+ Người bệnh có thể tiếp tục nhận thuốc tại nơi điều trị ngoại trú lao hoặc được nhận thuốc tại khoa điều trị nội trú nếu bác sỹ khoa điều trị nội trú đủ điều kiện kê đơn thuốc chống lao theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 5 Thông tư này;
+ Trường hợp bác sỹ khoa điều trị nội trú không đủ điều kiện kê đơn thuốc chống lao thì phải hội chẩn, thống nhất với bác sĩ nơi điều trị ngoại trú để kê đơn thuốc chống lao cho người bệnh.
Thuốc chống lao sử dụng cho người bệnh quy định tại các điểm a và b khoản này phải được ghi chép trong bệnh án, sổ khám bệnh và phát cùng với thuốc điều trị nội trú.
- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh điều trị nội trú khác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị ngoại trú lao:
+ Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị nội trú là cơ sở điều trị có thuốc chống lao thì người bệnh được nhận để sử dụng thuốc chống lao tại cơ sở này. Người bệnh cần xuất trình sổ khám bệnh có ghi cụ thể phác đồ điều trị, số lượng thuốc chống lao đã cấp để làm cơ sở cho việc cấp thuốc tiếp theo. Bác sĩ khoa điều trị nội trú thực hiện kê đơn thuốc chống lao nếu đủ điều kiện kê đơn theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
Trường hợp bác sĩ khoa điều trị nội trú không đủ điều kiện kê đơn thuốc chống lao theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì kê đơn thuốc chống lao theo đúng phác đồ người bệnh đang sử dụng đã được ghi trong sổ khám bệnh của người bệnh. Thuốc chống lao được ghi chép trong bệnh án, sổ khám bệnh và phát cùng với thuốc điều trị nội trú.
+ Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị nội trú không phải là cơ sở điều trị thuốc chống lao thì người đại diện của người bệnh thực hiện việc lĩnh thuốc chống lao tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đang cấp thuốc chống lao cho người bệnh để bảo đảm việc điều trị lao được đầy đủ, liên tục, kịp thời. Khi nhận thuốc người đại diện của người bệnh phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn thời hạn (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu), Giấy xác nhận điều trị nội trú theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu trong mua thuốc điều trị lao sử dụng nguồn quỹ BHYT
Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 36/2021/TT-BYT quy định về trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu trong việc mua thuốc chống lao sử dụng nguồn quỹ BHYT như sau:
- Đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ tổ chức mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT và quy định tại Thông tư này.
- Đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ đầu mối chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi trong phạm vi toàn quốc (sau đây gọi tắt là Đơn vị đầu mối cấp quốc gia) có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế chi trả để gửi Đơn vị được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Y tế giao nhiệm vụ đầu mối chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Đơn vị đầu mối cấp tỉnh) để hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện.
- Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và báo cáo Sở Y tế để thẩm định trước khi gửi đề xuất nhu cầu về Đơn vị đầu mối cấp quốc gia.
Trân trọng!