Trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương bảo đảm an ninh, an toàn tiền, tài sản trong hệ thống KBNN
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 187/2014/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh và an toàn tiền, tài sản trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành, trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương bảo đảm an ninh, an toàn tiền, tài sản trong hệ thống KBNN được quy định như sau:
1. Phối hợp với KBNN cùng cấp: xây dựng phương án bảo vệ cơ quan KBNN; bảo vệ, bảo đảm an toàn các chuyến vận chuyển tiền, tài sản; tham gia xây dựng các quy định, nội quy, quy chế và các phương án nêu tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch này.
2. Phối hợp với KBNN cùng cấp tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm đến an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh bảo mật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của KBNN. Điều tra, xác minh xử lý các đối tượng có hành vi phá hoại hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của KBNN; lưu hành tiền giả, giấy tờ giả; tham ô, trộm cắp tài sản Nhà nước do KBNN quản lý và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan. Phối hợp với cơ quan KBNN thu hồi tiền, tài sản bị tổn thất theo quy định của pháp luật.
3. Thường xuyên trao đổi các thông tin, tài liệu về tình hình chính trị, thời sự, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm kinh tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao; các dự báo tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để chủ động phối hợp phòng ngừa.
4. Phối hợp với KBNN cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện các quy định có liên quan tới công tác bảo đảm an ninh, an toàn tiền, tài sản của KBNN cùng cấp hoặc KBNN trực thuộc.
5. Bố trí cảnh sát bảo vệ đủ về số lượng theo quy định, tương đối ổn định, có nghiệp vụ chuyên môn, ngày đêm tuần tra canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu: KBNN, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại các KBNN cấp huyện có địa bàn phức tạp, có số lượng thu, chi tiền mặt lớn cần bố trí lực lượng công an hỗ trợ, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thủ trưởng cơ quan Công an cùng cấp bàn bạc, thống nhất quyết định.
6. Vũ trang áp tải bảo vệ các chuyến vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá và tài sản quý của KBNN cùng cấp.
7. Công an cấp huyện chủ động phối hợp với KBNN cấp huyện nơi không có cảnh sát trực tiếp bảo vệ, xây dựng phương án tuần tra canh gác và sẵn sàng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời tác chiến khi KBNN có sự cố.
8. Phối hợp với KBNN trên địa bàn mở lớp tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn cho bảo vệ chuyên trách KBNN. Hướng dẫn bảo vệ chuyên trách KBNN sử dụng các trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ được cấp theo quy định của pháp luật hiện hành; cấp giấy phép sử dụng theo thẩm quyền hoặc hướng dẫn thủ tục làm đăng ký các phương tiện, công cụ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; tổ chức huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
9. Phối hợp với KBNN phát động và nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các đơn vị KBNN.
10. Thủ trưởng cơ quan Công an các cấp ở địa phương có trách nhiệm:
a) Ban hành kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan Công an quy định tại các khoản 1, 7 và 8 Điều này;
b) Phối hợp với thủ trưởng cơ quan KBNN cùng cấp trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 10 Điều 5 Thông tư liên tịch này.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật