Đơn vị không có biên chế có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
1. Về hiệu lực của hợp đồng lao động:
Trong trường hợp hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng kết thúc mà người lao động vẫn làm việc thì trong thời gian 30 ngày hai bên phải ký lại hợp đồng lao động, ngoài 30 ngày nói trên mà hai bên vẫn không ký lại hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động đã ký trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn (điều 22 Bộ Luật Lao động 2012).
2. Hợp đồng theo Nghị định 68:
Ngày 17/11/2000, Chính phủ cho ban hành Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng môt số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, theo đó cơ quan nhà nước có thể ký hợp đồng để thực hiện công việc "Lái xe" cho cơ quan.
Nghị định 68 quy định nhiều loại hình hợp đồng để áp dụng: hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng khoán việc, hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng kinh tế....Nếu bạn và cơ quan nhà nước giao kết hợp đồng lao động thì sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động.
3. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ khi kết thúc việc tạm hoãn hợp đồng lao động"
Với điều kiện phải thông báo trước 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn:
Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi:
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền trừ trường hợp bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
- Lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội".
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương (trừ thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội).
4. Chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do kinh tế:
Điều 44 Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động được phép cho người lao động thôi việc trong trường hợp vì lý do kinh tế: "Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này".
Nếu cơ quan của bạn chứng minh được khó khăn, vì lý do kinh tế (tiền chi trả theo hợp đồng lao động cho bạn không được ngân sách nhà nước phê duyệt), nhu cầu đi lại của cơ quan ít.., có phương án sử dụng lao động phù hợp với điều 46 Bộ Luật Lao động thì có thể cho bạn thôi việc và bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mức mỗi năm làm việc được trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương (trừ thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội).
Thư Viện Pháp Luật