Các phương án khắc phục việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định

Tôi đang làm việc cho một công ty với hình thức hợp đồng lao động có thời hạn là 3 năm. Sau 3 tháng nghỉ ốm theo sự chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, tôi trở lại công ty làm việc thì được biết công ty đã ra quyết định cho tôi nghỉ việc với lý do đã tuyển người khác vào thay thế công việc của tôi. Tôi cho rằng công ty làm như vậy là không đúng quy định của pháp luật lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Xin hỏi luật sư trách nhiệm của công ty phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của tôi trước pháp luật? Nếu công ty không đồng ý với ý kiến của tôi thì tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Mong nhận được hồi âm.


Căn cứ theo Khoản 1, Ðiều 39, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm trường hợp người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Thời hạn nghỉ ốm của bạn là 3 tháng theo sự chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh nên không thuộc trường hợp người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của công ty đối với bạn hoàn toàn trái với các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật bao gồm:
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Ðiều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Ðiều 48 của bộ luật này. 
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Ðiều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Ðiều 48 của bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại Khoản 1 điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. 
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Nếu công ty không thực hiện những nghĩa vụ trên, bạn có thể gửi đơn đến Phòng LÐ-TBXH nơi công ty có trụ sở hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào