Viên chức được đăng ký dự thi chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III khi có đủ các tiêu chuẩn nào?
- Viên chức được đăng ký dự thi chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III khi có đủ các tiêu chuẩn nào?
- Đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ như thế nào?
- Viên chức đăng kiểm hạng III phải thực hiện các nhiệm vụ gì?
Viên chức được đăng ký dự thi chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III khi có đủ các tiêu chuẩn nào?
Theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 45/2022/TT-BGTVT có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III như sau:
Viên chức đăng kiểm hạng III - Mã số: V.12.31.03
...
4. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III:
Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng IV và tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Theo đó, viên chức được đăng ký dự thi chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;
Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.
Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Bên cạnh đó, có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng IV và tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).
Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Viên chức đăng kiểm hạng III (Hình từ Internet)
Đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 45/2022/TT-BGTVT quy định cụ thể như sau:
* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đăng kiểm.
* Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
- Nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình và xu thế phát triển của lĩnh vực đăng kiểm;
- Có khả năng thực hiện các nghiệp vụ về công tác đăng kiểm trong phạm vi được phân công;
- Có khả năng nắm bắt và áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác đăng kiểm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
- Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đăng kiểm;
- Nhận biết được các nguy cơ sự cố và thiết lập biện pháp phòng ngừa sự cố trong khi thực hiện nhiệm vụ;
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Viên chức đăng kiểm hạng III phải thực hiện các nhiệm vụ gì?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 45/2022/TT-BGTVT quy định về nhiệm vụ của Viên chức đăng kiểm hạng III như sau:
Viên chức đăng kiểm hạng III - Mã số: V.12.31.03
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc chủ trì hoặc tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tài liệu chuyên môn về đăng kiểm;
b) Xây dựng hoặc tham gia xây dựng kế hoạch thực hiện việc đăng kiểm cho đối tượng cụ thể, đúng chuyên ngành, phạm vi được phân công;
c) Tổ chức thực hiện việc đăng kiểm; đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thực nhiệm vụ được phân công nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác đăng kiểm;
d) Phát hiện kịp thời các hư hỏng của thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác kiểm định, đề xuất biện pháp khắc phục để đảm bảo chất lượng kiểm định;
đ) Đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tài liệu chuyên môn và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm khi được phân công;
e) Tham gia điều tra tai nạn, giám định nguyên nhân sự cố, tai nạn giao thông và tai nạn khác khi được phân công;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
Theo đó, trên đây là tất cả 07 nhiệm vụ của Viên chức đăng kiểm hạng III.
Hiện nay, Thông tư 45/2022/TT-BGTVT chưa có hiệu lực và sắp tới có hiệu lực vào ngày 01/3/2023.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.