Hỏi về vấn đề tranh chấp tài sản khi li hôn

Câu chuyện của tôi như sau : Tôi có một ông dượng - chồng của dì tôi, ông ấy lấy vợ năm 1985, do gia đình ép cưới (thực chất theo lời ông kể lại thì ông không hề có tình cảm với bà vợ ấy trước khi lấy nhau). Họ lấy nhau và có một mặt con theo như mong muốn của mẹ chồng. Hai năm sau đó ông gặp, yêu và sống như vợ chồng với dì tôi (họ có tổ chức đám cưới, và cả chụp ảnh). Dì tôi tuy biết ông đã có vợ con nhưng do yêu ông nên bất chấp gia đình phản đối, dì vẫn nhắm mắt ung chịu, sự việc này tất cả hai bên đều biết, kể cả người vợ kia (theo lời ông thì đó là điều kiện ông đặt ra khi đồng ý kết hôn với bà vợ đầu). Do cả ba đều biết rõ và hai người phụ nữ cũng đồng ý nên tình trạng chồng chung giữa họ bắt đầu (tuy nói sống chung nhưng họ vẫn nhà ai nấy ở, và lưu ý là bà vợ đầu biết rõ và chấp nhận sống chung một chồng, chứ ông dượng tôi không hề ép buộc bà ấy). Dì tôi vốn là dân làm ăn buôn bán, nên đồng thời cũng là người làm ra tiền chính trong nhà, bà có phụ giúp tiền nuôi nấng con cái và sinh hoạt của bà kia cùng đứa con (mãi về sau bà vợ đầu sinh thêm một đứa con gái nữa). Sang đến năm 2000, do công việc làm ăn của dì tôi thuận lợi, một mặt có dượng phụ giúp, họ nắm thời cơ và phất lên rất nhanh. Sang đến năm 2002 thì ông mua thêm nhà và đất để dựng xưởng sản xuất kinh doanh. Lúc này dì tôi chấp nhận cho dượng tôi rước bà vợ đầu cùng hai đứa con về để phụ giúp trông nom nhà cửa và đỡ đần việc làm ăn (bà ở nhà trông nom quản nhà, công việc nội trợ có người giúp việc lo).  Đến năm 2004 thì công việc làm ăn sản xuất bị đình trệ do đối tác gặp vấn đề về kinh tế, dượng tôi chuyển sang kinh doanh nhà đất và việc làm ăn tương đối khá. Công việc vẫn do dì tôi phụ giúp, bà vợ đầu vẫn chỉ ở nhà lo trông nom nhà cửa. Khoảng thời gian đến năm 2008 thì gia đình thường xuyên xảy ra hiềm khích, dì tôi cùng 2 đứa con có rời khỏi gia đình một vài lần nhưng rồi lại quay về, nguyên nhân ra sao tôi không tiện hỏi rõ, nên cũng chỉ biết chung quy đại khái như thế.  Sang đến đầu năm 2010 thì mẹ của dượng qua đời, tang sự qua được khoảng 5, 6 tháng (vẫn chưa đến giỗ đầu) thì bà vợ đầu do cãi vã với dượng (nguyên nhân là vì đứa con gái của bà), bà ấy tuyên bố li dị và rời khỏi nhà. Ban đầu dượng tôi nghĩ là vẫn như mọi lần, cãi nhau rồi bỏ đi, một thời gian sau họ lại về. Nhưng lần này bà ấy lại làm thật, bà tố cáo ông tội song hôn, bạo hành gia đình (dượng tôi nóng tính, lúc cãi nhau có hay tát con cái và vợ) và đòi li dị chia một nửa tài sản với ông. Hiện nay họ vẫn còn trong giai đoạn hòa giải, tòa án vẫn chưa thụ lý chấp thuận cho họ li dị. + Có thể cho phép tôi hỏi, giả sử như hai bên đã đồng ý sống chung (hơn 20 năm), nhưng bây giờ bà vợ đầu mới kiện dượng tôi tội song hôn, thì tòa án có thụ lý vả giải quyết cho bà ấy thắng kiện không? - Nếu họ li dị thành, thì tài sản sẽ chia đôi cho hai người (mặc dù bà vợ chỉ ở nhà trông nhà, không hề làm ra tiền của hay tham gia phụ giúp kinh doanh) có phải không? Và dì tôi, người làm ra tiền của trong nhà hoàn toàn không được chia? Và tôi có mấy vấn đề muốn hỏi như sau : - Ngày trước lúc dì dượng tôi mua đất lập xưởng, do không có hiện vật thế chấp nên họ không thể vay ngân hàng, họ có mượn của má tôi khoảng 1000 lượng vàng (má tôi có thân nhân ở nước ngoài, bà nội tôi có gửi tiền dollar về vài lần, má tôi không dùng và đổi ra vàng để dành), và đồng thời dì tôi cũng có bỏ ra 4000 lượng vàng (tiền của bà ngoại tôi để lại cho ba đứa con gái, nhưng hai người chị bao gồm dì thứ bảy của tôi và má tôi đồng ý cho dì tôi lấy để làm ăn, vì họ đều có gia đình và công việc làm ăn ổn định, đời sống rất khá giả), tổng cộng là 5000 lượng để mua đất, xây dựng nhà xưởng và mua máy móc sản xuất. Dượng tôi có làm giấy tay cam kết sẽ hoàn trả trong 5 năm, nhưng do công việc bận rộn, họ cũng khá lên nên má tôi cũng không đòi gấp. Bà hứa cho số tiền đó cho tôi sau này làm ăn, thế nên giấy nợ được lập lại và chuyển sang tôi. Nay do giữa dượng và bà vợ lớn có tranh chấp tài sản, tôi muốn giải quyết số nợ đó trước thì phải làm sao? - Dì tôi có tâm sự với tôi, rằng bà đã dọn ra ở riêng từ lúc mẹ chồng mất, đột nhiên họ đòi li dị chia tài sản, bà có phần nghi ngờ ông cùng bà vợ kia rắp tâm muốn xóa bỏ số tiền mà bà đã bỏ ra làm vốn để kinh doanh (4000 lượng vàng, số tiền đó do là của cả 3 người nên có làm giấy nợ rõ ràng). Bà có thể đòi trước khi họ li dị được không (vì bà sợ sau khi chia tài sản rồi, dượng tôi sẽ không đủ khả năng trả lại số tiền đó cho bà. - Vì thời điểm vay mượn, dượng tôi mượn vàng (thời điểm 2000, vàng khoảng 4 - 5 triệu đồng 1 lượng), thì bây giờ bà có thể đòi trả bằng vàng được không? Xin cảm ơn!

Chào bạn,

Theo thông tin bạn cung cấp,tôi xin có tư vấn như sau:
1/Về vấn đề tố cáo về tội " song hôn" như bạn nói tức là tội vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng được quy định tại Điều 147 BLHS 1999 như sau:

Điều 147.  Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng  1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Thông tư liên tịch số 01/2001 khoản 3 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 25/9/2001 đã quy định:
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”...
Thông tư này cũng quy định: Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Như vậy,chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm.
2/ Về vấn đề chia tài sản trong trường hợp này như sau:
Theo quy định của pháp luật, dì của bạn thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật,được quy định như sau Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP: 

c.1. Người đang có vợ hoặc có chồng là:

- Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn;

- Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;
Như vậy ,hôn nhân của người dượng của bạn với bà vợ trước được công nhận nên quan hệ vợ chồng của người dì bạn với ông dượng sẽ không được công nhận là vợ chồng khi chưa li dị với người vợ trước.
Do đó ,hậu quả pháp lý sẽ phát sinh trong trường hợp này như sau:
Đối với dì của bạn thì sẽ áp dụng cho trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật quy định tại điều 17 Luật HNGĐ 2000 như sau:
1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2.Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.

3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Đối với vợ chồng người dượng ,việc phân chia tài sản sẽ theo nguyên tắc sau:

Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

3/ Đối với việc vay mượn nợ giữa gia đình bạn (dì bạn, má bạn) với người dượng thì có thể tham gia vụ án ly hôn  với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên qua.Việc vay mượn có thể yêu cầu hòan trả theo vàng, căn cứ vào các quy định của BLDS 2005:

Điều 471. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định

Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Quyền của bạn khi tham gia vào tố tụng trong vụ án ly hôn được quy định tại BLTTDS 2004 như sau:

Điều 61. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 58 của Bộ luật này;

b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có các quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.

Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

1. Các đương sự có các quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.

2. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

b) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án;

c) Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu;

d) Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập;

đ) Đề nghị Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

e) Tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hoà giải do Toà án tiến hành;

g) Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;

h) Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

i) Tham gia phiên toà;

k) Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;

l) Đề xuất với Toà án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng;

m) Tranh luận tại phiên toà;

n) Được cấp trích lục bản án, quyết định của Toà án;

o) Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án theo quy định của Bộ luật này;

p) Phát hiện và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;

q) Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án;

r) Tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà;

s) Nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

t) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;

u) Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
Bạn phải đóng tạm ứng án phí cho yêu cầu của mình như sau:

 

Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đối với các vụ án dân sự có giá ngạch được quy định như sau: 

Giá trị tài sản có tranh chấp

Mức án phí

a/ Từ 4.000.000 đồng trở xuống.

200.000 đồng.

b/ Từ trên 4.000.000 đồng

đến 400.000.000 đồng.

5% của giá trị tài sản có tranh chấp.

c/ Từ trên 400.000.000 đồng

đến 800.000.000 đồng.

20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị

có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.

d/ Từ trên 800.000.000 đồng

đến 2000.000.000 đồng.

36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị

có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.

đ/ Từ trên 2.000.000.000 đồng

đến 4.000.000.000 đồng.

72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị

có tranh chấp vượt quá 2000.000.000 đồng.

e/ Từ trên 4.000.000.000 đồng .

112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị

có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.

Trân trọng
 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào